Tác động của COVID-19 khiến ai cũng nhận ra tầm quan trọng của các mối quan hệ và tương tác xã hội mà chúng ta đang có và coi nó là hiển nhiên. Việc ở yên trong nhà, cách ly y tế, thực hiện các biện pháp phòng dịch làm giảm các tương tác trực tiếp. Chúng ta phải sử dụng các công cụ trực tuyến để liên lạc, thay vì gặp mặt như trước kia.
Nhìn vào cách COVID-19 bắt đầu ở Vũ Hán vào tháng 12/2019 đến tháng 8/2021, toàn cầu đã có hơn 200 triệu ca mắc và hơn 4 triệu ca tử vong, chúng ta có thể thấy tầm ảnh hưởng cực lớn của dịch bệnh đối với cách sống, sinh hoạt và làm việc của tất cả mọi người.
Theo ông Thabani Maphosa, giám đốc toàn cầu về các hoạt động nhân đạo của GAVI (Liên mình toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng), một bài học quan trọng mà chúng ta học được từ đại dịch này là không ai an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn. Do đó, tiếp cận công bằng trên toàn cầu về vắc xin, đặc biệt là ưu tiên cho những nhân viên y tế - những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân là cách duy nhất để giảm thiểu tác động kinh tế và sức khỏe cộng đồng của đại dịch đối với cá nhân, cộng đồng và các quốc gia.
Đảm bảo tiếp cận với vắc xin ở các nước giàu nghèo hiện nay vẫn là vấn đề đang được giải quyết. Mặc dù những liều vắc xin được cung cấp nhanh hơn rất nhiều so với đại dịch H1N1 trước kia, nhưng tất cả các nước trên thế giới vẫn phải cùng nhau làm việc và nghiên cứu để thực hiện thành công sứ mệnh của mình.
Đối với giới chuyên gia nói riêng, COVID-19 đã dạy họ rằng, để giải quyết những phức tạp đang chờ đợi – từ phê duyệt quy định đến nhân lực, hậu cần, kinh phí thì tất cả cộng đồng khoa học và y tế phải làm việc cùng nhau nếu muốn đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho tất cả các nước.
Theo Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO khu vực châu Phi, COVID-19 là một lời nhắc nhở việc ra quyết định nhanh chóng, dựa trên bằng chứng và chuẩn bị sẵn sàng là rất quan trọng để quản lý khủng hoảng. Vào thời kì đầu của đại dịch, khi sự hiểu biết của chúng ta về virus còn hạn chế, nhiều chính phủ châu Phi đã nhanh chóng thực hiện đóng cửa, cấm tụ tập đông người và thực hiện các biện pháp y tế công cộng như sát khuẩn tay, giữ khoảng cách và đeo khẩu trang. Mặc dù các biện pháp mạnh mẽ gây tổn hại nền kinh tế, nhưng việc thực hiện chúng đã kéo dài thời gian và cho thấy các nhà lãnh đạo châu Phi sẵn sàng đưa ra các quyết định khó khăn để bảo vệ sức khỏe công dân của họ.
Với nhiều người Mỹ, COVID-19 đã dạy họ về tầm quan trọng của các biện pháp sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là sức khỏe của phổi, Tiến sĩ Albert A.Rizzo, giám đốc Y khoa của Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ cho hay. Vì vậy, dù bỏ thuốc lá hay tìm cách kiểm soát tốt hơn các bệnh về phổi là điều mà ai cũng quan tâm hiện nay. Trong tương lai, các nước cần đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng y tế công cộng để chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo. Điều này rất quan trọng trong việc cứu được mạng sống của nhiều con người. Và điều đặc biệt đáng lưu tâm là, biến đổi khí hậu có thể làm gia tăng các bệnh truyền nhiễm, thế nên việc có ý thức hơn với môi trường cũng vô cùng cần thiết.