Anh Nguyễn Văn An – Hạ Long, Quảng Ninh, cho biết gần đây anh bị chảy máu cam 2,3 lần/ngày. Anh đã đi kiểm tra sức khỏe, các bác sĩ cho biết nguyên nhân do tình trạng viêm mũi. Mỗi lần chảy máu cam anh An thường ngửa mặt lên trời và lấy bông nhét vào mũi.
Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng đây là thói quen xử trí sai lầm vì khi chảy máu cam phải cúi mặt xuống.
Chị Nguyễn Thị Dung – Hà Đông, Hà Nội kể con gái 4 tuổi của chị thi thoảng vẫn bị chảy máu cam. Chị Dung cho đi khám nhưng cháu không có bệnh lý gì. Tuy nhiên, chị hay mắc phải thói quen là thấy bé chảy máu cam là bảo con ngửa cổ lên để máu ngưng chảy.
Tuần trước, bé chảy máu cam, chị bảo con ngửa mặt lên khiến máu chảy nhiều rơi xuống họng và cháu ho sặc sụa ra máu khiến bà mẹ này hoảng hốt. Qua kiểm tra, các bác sĩ cho biết do tình trạng nóng nắng làm viêm mũi của bé. Lúc này, chị Dung mới biết thói quen xử trí khi con chị chảy máu cam từ trước tới nay là sai.
Hầu hết các trường hợp chảy máu cam đều xuất hiện ở một bên mũi, ít khi xuất hiện ở cả 2 mũi. Đây không phải là một bệnh, mà là triệu chứng chung do nhiều nguyên nhân gây nên.
Ở trẻ em, tỷ lệ chảy máu cam cao gấp 2 lần so với người trưởng thành. Nguyên nhân của chảy máu cam là do vỡ các mạch máu trong mũi, gây ra tình trạng chảy máu.
Chảy máu mũi có 2 loại, chảy máu mũi trước và chảy máu mũi sau. Chảy máu mũi trước xảy ra ở thanh thiếu niên thường do chấn thương cạy mũi và do tiếp xúc với môi trường nóng, khô. Chảy máu mũi sau thường xảy ra ở người trên 50 tuổi; ở nhóm tuổi dưới 50, đại đa số là nam giới và một số nữ giới do có hiện tượng giảm sút estrogen. Một số trường hợp thì không có nguyên nhân rõ ràng.
Chị Huỳnh Thị Bích Hà – cử nhân điều dưỡng, Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết chảy máu mũi có nhiều nguyên nhân và khi bị chảy máu mũi cách xử lý như thế nào cũng rất quan trọng.
Nguyên nhân gây chảy máu mũi, theo chị Huỳnh Thị Bích Hà - hiện tượng chảy máu mũi có thể do viêm mũi và nhiễm trùng mũi, chấn thương do tác động bên ngoài vết thương mũi hoặc gãy xương mũi.
Không nên ngửa cổ lên khi chảy máu cam
Một số trường hợp có thể do khối u ở mũi. Một số người bị bệnh cao huyết áp, rối loạn đông máu và các bệnh về máu cũng tăng nguy cơ chảy máu mũi. Nguyên nhân gây chảy máu mũi nữa có thể do uống thuốc nào đó.
Khi bị chảy máu mũi, theo chị Hà người bị chảy máu nên ngồi cúi đầu ra trước, dùng ngón cái và ngón trỏ đè thật chặt vào cánh mũi ít nhất 5 phút. Trong lúc đó, người bệnh thở bình thường bằng miệng.
Khi bị chảy máu mũi, tuyệt đối không nằm xuống vì máu sẽ chảy ngược vào phía trong gây sặc, không được ngửa đầu ra sau để tránh máu chảy xuống họng, không được nuốt máu xuống dạ dày sẽ gây kích thích nôn bình tĩnh, không nên hoảng sợ và cần bình tĩnh xử trí.
Để giảm nguy cơ chảy máu mũi, chị Hà cho rằng mọi người không ngoáy mũi, không cho tay vào mũi, không dụi mũi, xì mũi quá mạnh, uống thuốc đều đặn theo toa. Cần tránh rượu bia, gió, bụi, khói, hơi hóa chất, máy lạnh, quạt máy thổi vào mặt, không gắng sức làm việc trong tháng đầu sau mổ, nên tái khám đúng hẹn. Nếu chảy máu mũi trở lại nên đến bệnh viện ngay lập tức.
Nhiều người có thói quen xấu, các bác sĩ cho rằng cần bỏ qua thói quen này vì ngoáy mũi có thể gây kích ứng niêm mạc mũi. Thường xuyên ngoáy mũi sau khi chảy máu mũi sẽ tăng nguy cơ tiếp tục bị chảy máu.