Chế độ ăn uống đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát các biến chứng đối với bệnh nhân bị bệnh tiểu đường. Tuy nhiên nhiều người vẫn lầm tưởng rằng, ăn trái cây sẽ làm tăng lượng đường huyết nên đã loại bỏ hoàn toàn loại thực phẩm này ra khỏi chế độ ăn uống của mình. Vậy nhưng điều này hoàn toàn không chính xác mà còn khiến cho người bệnh vô tình bỏ qua một loại thực phẩm giúp bổ sung vitamin và các chất dinh dưỡng khác cho cơ thể.
Bệnh nhân tiểu đường có thể chọn các loại trái cây dựa trên chỉ số đường huyết hay còn gọi là chỉ số glycemic (GI). Chỉ số đường huyết là một con số cung cấp thông tin về việc cơ thể chuyển đổi carbs trong thực phẩm thành glucose nhanh như thế nào. Hai loại thực phẩm có thể có cùng lượng carbohydrate nhưng lại có chỉ số đường huyết khác nhau. Con số càng nhỏ tức là thực phẩm càng ít ảnh hượng đến lượng đường trong máu của bạn. Những loại trái cây có chỉ số GI > 70 là ở mức cao (xấu), GI từ 55-70 là ở mức trung bình, và GI < 55 là ở mức thấp (tốt).
Những loại trái cây người bị tiểu đường nên ăn
Người bị bệnh tiểu đường nên ăn những loại trái cây như anh đào, nho, táo, lê, đào, mơ, mận, quýt, bưởi, cam,… Đây đều là những loại trái cây có lượng GI thấp. Mỗi ngày ăn khoảng 200g sẽ không gây ảnh hưởng tới lượng đường huyết trong cơ thể.
Những loại trái cây người bị tiểu đường nên hạn chế
Các loại trái cây như dưa hấu, xoài, kiwi và dứa tuy có hàm lượng đường thấp nhưng chỉ số GI lại cao. Vì vậy, tuy người bị tiểu đường có thể ăn nhưng nên ăn với số lượng ít để có thể kiểm soát tốt lượng đường trong máu. Tốt nhất chỉ nên ăn những loại hoa quả trên khoảng 100g mỗi ngày.
Những loại trái cây không nên ăn
Quả chà là tươi, chà là đỏ khô, chuối, chuối ngự, nho khô, long nhãn, … có hàm lượng đường và chỉ số GI rất cao, vì vậy tốt nhất những người bị bệnh tiểu đường không nên ăn.
3 lời khuyên khi ăn trái cây
Kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên: tình trạng của mỗi bệnh nhân tiểu đường là khác nhau nên lượng đường trong máu cũng khác nhau. Dựa trên chỉ số đường huyết trong máu mà người bệnh có thể lựa chọn những loại trái cây thích hợp để ăn, dựa trên lượng GI của thực phẩm.
Nên lựa chọn trái cây đa dạng về màu sắc và chủng loại: thay đổi các loại trái cây và ăn trong các ngày khác nhau hoặc có thể kết hợp nhiều loại trái cây để hấp thụ một cách tối đa các dưỡng chất có trong hoa quả. Mỗi loại trái cây mang màu sắc khác nhau thường chứa nhiều chất dinh dưỡng khác nhau. Ví dụ như những loại trái cây màu xanh tím: việt quất, dâu tằm, anh đào chứa nhiều anthocyanins có tác dụng chống oxy hoá và chống lão hoá, trong khi các loại trái cây màu xanh lá cây: nho xanh, táo xanh, … chứa nhiều chất diệp lục và lutein.
Thời điểm tốt nhất để ăn trái cây là vào giữa hai bữa ăn: không nên ăn trái cây ngay sau bữa ăn. Thời gian tốt nhất là vào khoảng 9h - 9h30 sáng, 15h – 16h chiều, hoặc khoảng 21h tối trước khi đi ngủ. Ăn trái cây như một bữa ăn nhẹ có thể giúp ổn định lượng đường trong máu.