Người đàn ông nguy kịch vì tự điều trị khi bị rắn độc cắn

Sau khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào tay, thay vì đến bệnh viện, người đàn ông đã hái lá thuốc để tự điều trị. Tuy nhiên, tình trạng nhiễm độc chẳng những không thuyên giảm mà còn khiến ông rơi vào nguy kịch.

Đó là trường hợp ông N.V.H. (51 tuổi, ngụ tại Long An) vừa được tiếp nhận, điều trị tại một bệnh viện tư nhân. Ngày 26/12 thông tin từ bệnh viện cho biết, khi tiếp nhận cấp cứu, các bác sĩ thăm khám và xác định ông H. bị nhiễm độc nặng, rơi vào nguy kịch với các biểu hiện tụt huyết áp, rối loạn đông máu nặng, mạch nhanh.

Theo bệnh sử, trước khi nhập viện, ông H. đã bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào mu bàn tay trái. Vết thương bị sưng tấy nghiêm trọng, máu chảy không ngừng kèm theo các triệu chứng nặng ngực, khó thở, tê tay và tê môi.

Sau khi được điều trị tích cực, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe dần bình phục

Sau khi được điều trị tích cực, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe dần bình phục

Tuy nhiên, thay vì nhanh chóng đến bệnh viện, ông H. lại tự hái lá thuốc giã nát và đắp lên vết thương. Ông H. cho rằng, phương pháp dân gian này có thể loại bỏ được nọc độc. Tuy nhiên, sau khi đắp lá, tình trạng sức khỏe bệnh nhân ngày càng diễn tiến xấu nên gia đình đã chuyển vào bệnh viện cấp cứu.

Sau khi nhập viện, bệnh nhân được chuyển đến khoa Hồi sức Tích cực (ICU). Các bác sĩ đã cho người bệnh sử dụng thuốc vận mạch, truyền huyết thanh kháng nọc rắn, huyết tương tươi đông lạnh, điều trị nội khoa tích cực. Sau 2 ngày được theo dõi, điều trị liên tục bệnh nhân đã qua được nguy kịch, sức khỏe dần bình phục.

Các bác sĩ cho biết, rắn lục đuôi đỏ là loài rắn độc. Nếu không may bị rắn cắn, chỉ sau vài phút người bệnh sẽ có biểu hiện sưng nề lan nhanh và có thể chảy máu không cầm tại vết rắn cắn. Sau khoảng 6 giờ phần sưng nề có thể lan rộng đến gốc chi dẫn đến toàn chi sưng to, tím tái, xuất huyết dưới da, xuất huyết trong cơ... Nếu không được cấp cứu kịp thời thì người bệnh sẽ sớm bị rối loạn đông máu, xuất huyết nặng và có thể dẫn đến tử vong.

Để hạn chế nguy cơ bị rắn độc tấn công, các bác sĩ khuyến cáo cộng đồng nên thường xuyên phát quang bụi rậm, giữ vệ sinh nhà cửa, không cho rắn trú ngụ. Nếu bị rắn cắn cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất tuyệt đối không tự đắp thuốc lên vết cắn hoặc rạch vết cắn để lấy nọc. Các phương pháp này chẳng những không mang lại hiệu quả mà còn khiến tình trạng ngày càng nghiêm trọng hơn, nguy hiểm đến tính mạng.

Theo các bác sĩ biện pháp sơ cứu đúng cách khi bị rắn cắn gồm: đặt người bệnh nằm hoặc ngồi, hạn chế vận động nhất là chi bị rắn cắn; không garo, không rạch, hút, không đắp thuốc lá cây lên vết cắn; băng cố định chi bị cắn bằng băng thun hoặc vải, không băng quá chặt (chi phải còn hồng, ấm, còn mạch đập); nhanh chóng di chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế có kinh nghiệm điều trị rắn cắn, càng sớm càng tốt (tối đa là 4h tính từ thời điểm bị cắn).