Ngày 2/1 vừa qua, cư dân mạng Trung Quốc bàng hoàng khi thông tin một người đàn ông ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây bị nhiều bệnh viện từ chối tiếp nhận khi đang lên cơn đau thắt ngực.
Sau 8 tiếng chậm trễ, cuối cùng người đàn ông đã được cấp cứu tại Trung tâm Y tế Quốc tế Gaoxin. Tuy nhiên, bác sĩ nói rằng thời gian cấp cứu bị chậm trễ quá lâu, không thể cứu chữa được nữa. Nếu người đàn ông này được dùng thuốc tan huyết khối trong vòng 2 tiếng, có thể đã giữ được tính mạng. Ông qua đời vào rạng sáng ngày 3/1.
Được biết, sau khi bệnh nhân xuất hiện những cơn đau thắt ngực, mặc dù được đưa đến nhiều bệnh viện nhưng không nơi nào tiếp nhận. Điều này dẫn tới cơn đau trầm trọng hơn. Khi những cơn đau thắt ngực không ổn định không được điều trị kịp thời, nó gây nhồi máu cơ tim, dẫn tới tử vong.
Sau cái chết của bệnh nhân, có nhiều cuộc thảo luận về việc tiếp nhận bệnh nhân nguy kịch. Chính quyền thành phố Tây An quy định rõ ràng, không bệnh viện nào được phép từ chối cấp cứu bệnh nhân với lý do phòng chống dịch. Tuy nhiên, thảm kịch vẫn xảy ra và những người có liên quan cần phải chịu trách nhiệm.
Tại sao cơn đau thắt ngực lại nguy hiểm tới mức tử vong trong thời gian ngắn?
Đau thắt ngực là một loại bệnh tim mạch vành, đề cập đến một loạt các triệu chứng xảy ra khi các mạch máu của tim bị thu hẹp nghiêm trọng.
Nguyên nhân gây ra những cơn đau thắt ngực là do hẹp van động mạch chủ của tim. Lúc này, việc cung cấp máu vào tim bị gián đoạn, tim bị thiếu máu cục bộ và thiếu oxy, gây ra tình trạng choáng váng, đau thắt ngực.
Cơn đau thắt ngực được chia thành loại gắng sức và loại không ổn định.
- Cơn đau thắt ngực do gắng sức đề cập đến những cơn đau xảy ra khi vận động, hay làm việc gì đó quá sức và không được nghỉ ngơi. Loại cơn đau này nguy cơ tử vong tương đối thấp.
- Cơn đau thắt ngực không ổn định đột ngột xảy ra khi đang ở trạng thái bình thường và trầm trọng hơn khi hoạt động. Loại cơn đau này có thể tiến triển nhanh thành nhồi máu cơ tim bất cứ lúc nào, nguy cơ đột tử cao.
Làm thế nào để tự cứu mình khỏi những cơn đau thắt ngực?
Cách tốt nhất để ngăn ngừa cơn đau thắt ngực là uống thuốc điều trị bệnh tim mạch vành đều đặn, đúng giờ, kiểm soát 3 cao (huyết áp, mỡ máu, đường huyết) và nhịp tim.
Ngoài ra, mọi người cần chú ý giữ ấm cơ thể, khi mệt mỏi cần nghỉ ngơi ngay, ăn uống lành mạnh, không thức khuya… Những điều này có thể phòng ngừa được cơn đau thắt ngực.
Bên cạnh đó, trong trường hợp xảy ra cơn đau thắt ngực, bạn cần chú ý những điều sau:
- Ngừng mọi hoạt động đang làm, ngồi hoặc nằm im, không cử động.
- Uống nitroglycerin, đây là loại thuốc có thể cứu sống những người lên cơn đau thắt ngực hoặc đau tim bất ngờ. Nitroglycerin có thể làm giãn nở mạch máu và giảm đau thắt ngực nhanh chóng.
- Nếu cơn đau thắt ngực không thuyên giảm trong vòng 15-20 phút, có thể đã xuất hiện cục máu đông và nhồi máu cơ tim, cần đến bệnh viện cấp cứu gấp.
Đau thắt ngực có thể điều trị bằng cách tiêu huyết khối không?
Cơn đau thắt ngực không thể điều trị bằng phương pháp làm tan huyết khối. Liệu pháp tiêu huyết khối chỉ dành cho các bệnh huyết khối cấp tính như nhồi máu cơ tim cấp, nhồi máu não cấp, thuyên tắc phổi cấp và các bệnh huyết khối cấp tính khác.
Trong cơn đau thắt ngực không có huyết khối nhưng do hẹp van động mạch chủ tim, dẫn tới thiếu máu cục bộ ở tim. Vì thế, nó không thể được điều trị bằng cách tiêu huyết khối. Nói một cách dễ hiểu, vì không có huyết khối nên không thể dùng thuốc tiêu huyết khối.
Đối với nhồi máu cơ tim cấp, phải điều trị tiêu huyết khối ngay lập tức, hiệu quả tốt nhất trong vòng 2-3 tiếng.
Trong trường hợp ở trên, người đàn ông ở Tây An bị đau thắt ngực nhưng có dấu hiệu bị nhồi máu cơ tim cấp. Vì chậm trễ điều trị tới 8 tiếng nên tỷ lệ tử vong rất cao.
Nhồi máu cơ tim cấp là huyết khối cấp tính, mạch máu bị tắc nghẽn đột ngột, có thể xảy ra rung thất hoặc ngừng tim bất cứ lúc nào, dễ đột tử. Sau khi bị nhồi máu cơ tim, cơ tim tiếp tục hoại tử, mạch máu phải mở càng nhanh càng tốt mới vượt qua được cơn nguy hiểm. Do đó, nếu cơn đau tức ngực kéo dài trong 20 phút, cần nghi ngờ đó là nhồi máu cơ tim và gọi cấp cứu càng sớm càng tốt.