Người hay bị táo bón, nếu có dấu hiệu này cần khám càng sớm càng tốt

Táo bón là tình trạng rối loạn đường tiêu hoá rất thường gặp, gây ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày, nếu không được quan tâm điều trị đúng cách cũng có thể dẫn đến những biến chứng khó lường.

Thói quen đại tiện của mỗi người là rất khác nhau và bị ảnh hưởng bởi độ tuổi, sinh lý, chế độ ăn uống, xã hội và văn hoá. Nhìn chung, táo bón là một rối loạn trên đường tiêu hoá có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc trưng bởi tình trạng giảm tần suất đại tiện (dưới 3 lần/ tuần), phân khô cứng (giảm 70% lượng nước trong phân) khiến chất thải này trở nên cứng và khó di chuyển hơn. Do đó, những người mắc tình trạng này thường cảm thấy khó chịu, đầy hơi. 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Biến chứng nguy hiểm do táo bón gây nên

Gây tắc nghẽn ruột

Khi cơ thể không thể tống phân ra ngoài, kéo dài lâu ngày, tích tụ trong ruột tạo khối tắc nghẽn. Khối phân cứng và quá lớn khiến ruột già không co bóp đẩy ra ngoài gây đau đớn và nhiễm trùng. Triệu chứng của người bệnh là đau bụng, khó chịu, chuột rút sau ăn, buồn nôn, đau đầu...

Gây bệnh trĩ

Táo bón kéo dài, căng thẳng khi đi đại tiện khiến các tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng sưng, viêm, được gọi là trĩ hoặc búi trĩ. Trĩ ngoại có thể gây ngứa hoặc đau khi đi đại tiện. Trĩ nội thường không gây đau, khi đau thường có viêm hoặc huyết khối, người bệnh có thể thấy phân màu đỏ tươi trong bồn cầu.

Gây nứt hậu môn

Hậu môn xuất hiện vết rách trên lớp niêm mạc, làm lộ cơ xung quanh dẫn đến co thắt, về lâu dài kéo các mép vết nứt ra rộng hơn. Tổn thương thường xuất hiện khi người bệnh bị táo bón, đi đại tiện kèm phân cứng, kích thước lớn, gây đau và chảy máu.

Gây sa trực tràng

Bệnh xảy ra khi phần cuối của đại tràng, niêm mạc trực tràng thò ra ngoài hậu môn thường xuyên hoặc khi đi đại tiện. Triệu chứng thường gặp của sa trực tràng là cảm giác ướt vùng hậu môn, ngứa ngáy khó chịu hoặc đau xung quanh hậu môn, rò rỉ phân, chất nhầy, mô đỏ thò ra ngoài hậu môn sau đại tiện hoặc thường xuyên ở ngoài hậu môn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Làm gì để ngăn ngừa táo bón hiệu quả

Táo bón chủ yếu là do thói quen ăn uống và lối sống không lành mạnh. Do đó, cần thay đổi lối sống phòng ngừa táo bón như sử dụng nhiều thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên cám... hạn chế chất béo động vật, đồ ăn công nghiệp, nước ngọt đóng chai, bia, rượu, uống 2-2,5 lít nước mỗi ngày.

Nên thường xuyên hoạt động thể chất, ít nhất 30 phút mỗi ngày, với các môn thể thao phù hợp với sức khỏe của bản thân. Hạn chế căng thẳng, lo âu bằng cách sắp xếp công việc và nghỉ ngơi hợp lý.

Nên tạo thói quen đi vệ sinh vào một thời điểm nhất định, tốt nhất là sau khi ăn sáng. Trẻ uống sữa bột ngừng hoặc đổi loại sữa đang uống có thể cải thiện táo bón.

Nếu đã thực hiện các cách trên nhưng tình trạng táo bón không được cải thiện, vẫn kéo dài 3-4 ngày không đại tiện được, hoặc đi đại tiện có máu trong phân, giảm cân không rõ nguyên nhân, nôn mửa hoặc sốt... cần được khám sớm.