Người phụ nữ bị suy tim vì tự ý điều trị bệnh tuyến giáp

Người bệnh điều trị không đầy đủ và không liên tục, không đúng chuyên khoa, dẫn đến biến chứng suy tim, rung nhĩ.

Bệnh viện Nội tiết Trung ương vừa tiếp nhận bệnh nhân N.T.H (54 tuổi, sinh sống tại huyện Hữu Lũng - tỉnh Lạng Sơn) mắc bệnh Basedow đã 20 năm. Tuy nhiên, người bệnh điều trị không đầy đủ và không liên tục, không đúng chuyên khoa, dẫn đến biến chứng suy tim, rung nhĩ.

Hơn thế nữa, bệnh nhân tự ý uống thuốc hoocmon tuyến giáp thay cho kháng giáp tổng hợp.

Điều này dẫn đến người bệnh bị cơn bão giáp trạng, nhiễm độc giáp do Berlthyrox, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Người bệnh tự ý dùng thuốc điều trị tuyến giáp. 

Người bệnh tự ý dùng thuốc điều trị tuyến giáp. 

ThS.BS. Tôn Thất Kha - Trưởng khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nội tiết Trung ương khuyến cáo, người bệnh mắc Basedow cần hết sức lưu ý khi sử dụng thuốc: Do hiện tại trên thị trường Việt Nam có thuốc Basethyrox - là thuốc kháng giáp tổng hợp dùng để điều trị bệnh Basedow rất dễ nhầm lẫn với thuốc Berlthyrox. Berlthyrox là thuốc để thay thế hormone tuyến giáp nếu sử dụng nhầm thuốc này sẽ làm cho tình trạng nhiễm độc giáp ở bệnh nhân Basedow nặng lên, dẫn đến cơn bão giáp trạng và nguy hiểm cho tính mạng của bệnh nhân.

Cơn bão giáp trạng hay còn gọi là cường giáp kịch phát là tình trạng nhiễm độc giáp xuất hiện kịch phát (do mất bù cường giáp) gây nguy hiểm đến tính mạng và người bệnh cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Mặc dù rất hiếm gặp nhưng bệnh nhân lên cơn cường giáp kịch phát nếu không được điều trị kịp thời sẽ phải đối mặt với nguy cơ tử vong cao. Cũng theo thống kê tại các trung tâm y tế hiện đại trên thế giới, đối với các trường hợp trên thì tỷ lệ tử vong cũng rất cao, lên tới khoảng 60%.-70%.

Biến chứng nghiêm trọng này xảy ra ở những bệnh nhân cường giáp (do bệnh Basedow, bướu giáp, u tuyến giáp) tiến triển lâu ngày nhưng không được chẩn đoán và điều trị phù hợp theo đúng chuyên khoa.

Nhận biết các dấu hiệu và chẩn đoán phát hiện sớm cơn bão giáp trạng giúp điều trị kịp thời giúp hạn chế nguy cơ tử vong. Bên cạnh đó, bệnh nhân trước khi phẫu thuật tuyến giáp nếu được chuẩn bị tốt sẽ hạn chế khả năng cơn bão giáp trạng.

Dấu hiệu nhận biết cơn bão giáp trạng

Cơn bão giáp trạng có dấu hiệu nhận biết trên toàn thân, thần kinh, tim mạch, tiêu hóa thường gặp sau:

- Dấu hiệu toàn thân: Sốt cao trên 39 độ C, thậm chí có thể lên đến 41 độ C, đổ mồ hôi nhiều gây mất nước.

- Dấu hiệu thần kinh: Rối loạn cảm xúc, kích động, loạn thần, hôn mê.

- Dấu hiệu tim mạch: Thở nhanh, thở gấp, tim đập nhanh (>140 lần/phút), rối loạn nhịp tim, rung nhĩ, suy tim xung huyết (thường gặp ở người già). Huyết áp không ổn định, trường hợp hạ huyết áp có thể dẫn đến hậu quả xấu. Cường giáp kịch phát nếu không được xử trí và điều trị có thể dẫn đến suy tim, tử vong trong tình trạng phù phổi cấp, suy tim xung huyết, trụy tim mạch.

- Dấu hiệu tiêu hóa: Đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy. Kèm theo tiêu hóa là biểu hiện vàng da, tế bào gan bị hoại tử hoặc xung huyết tế bào gan.

- Dấu hiệu nhược cơ: Chủ yếu là các cơ trung tâm, nhưng nếu nặng bệnh nhân có thể bị nhược cơ các cơ đầu chi, cơ mặt và cơ thân, co kéo cơ mi.

Đây là một căn bệnh nguy hiểm, đe dọa ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh. Vì vậy, bệnh nhân ngay khi có dấu hiệu nhận biết và chẩn đoán cần được điều trị ngay.