Khi cơ thể gầy mòn, suy kiệt và có hiện tượng đi tiểu ra nước có màu trắng đục như sữa, bệnh nhân mới đến viện khám và nhận kết quả bất ngờ.
TS.BS Nguyễn Đình Liên - Trưởng khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học (Bệnh viện E) - cho biết, mới đây ông tiếp nhận và điều trị cho một nam bệnh nhân ở Hà Nội đến khám vì cơ thể suy kiệt, đi tiểu có nước màu trắng như sữa.
Sau khi thăm khám lâm sàng, cho xét nghiệm, chụp chiếu, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị tiểu ra dưỡng chấp nên đã tiến hành thuật nội soi. Sau ca mổ thành công, người bệnh được điều trị theo phác đồ cho người nhiễm giun chỉ và đã khỏi bệnh, xuất viện.
Trước đó, bác sĩ Liên cũng tiếp nhận một nữ bệnh nhân ở Hà Nội đến viện trong tình trạng tương tự. Bệnh nhân này phát hiện mình đi tiểu có màu trắng như sữa nhiều năm nay, từng đi khám nhiều đợt tại một cơ sở tư nhân, được chẩn đoán bị nhiễm khuẩn tiết niệu nhưng điều trị không khỏi.
Chỉ đến khi cơ thể sụt cân nhanh chóng, suy kiệt sức khỏe, bệnh nhân mới đến viện thăm khám. Tại bệnh viện, bác sĩ Liên cho xét nghiệm, kết quả nước tiểu không bị nhiễm khuẩn, các chỉ số dưỡng chấp (protein) và mỡ tăng cao.
Người phụ nữ được tiến hành nội soi bàng quang, kết quả nhịp co bóp của bàng quang phun ra nước màu trắng. Đây chính là dưỡng chấp của giun chỉ ký sinh trong cơ thể người bệnh suốt nhiều năm. Sau khi có chẩn đoán, bệnh nhân được điều trị và khỏi bệnh rất nhanh.
Bác sĩ Liên cho biết, bình thường nước tiểu không có dưỡng chấp, mà dưỡng chấp chỉ nằm trong hệ bạch huyết. Tuy nhiên, trường hợp bệnh nhân đi tiểu ra dưỡng chấp như trên là do có lỗ rò (do giun chỉ gây nên) từ hệ thống mạch bạch huyết thông sang hệ thống tiết niệu.
''Giun chỉ ký sinh trong cơ thể sẽ làm tổn thương hệ thống mạch bạch huyết, gây ra rò vào đài bể thận và dòng dưỡng chấp đi vào bể thận, khiến bệnh nhân có nước tiểu trắng như sữa'', bác sĩ Liên lý giải.
Biểu hiện đầu tiên khi gặp phải vấn đề này là đi tiểu ra nước màu trắng đục như sữa và không xuất hiện liên tục. Bệnh nhân có thể trạng gầy tùy theo mức độ tiểu ra dưỡng chấp nhưng vẫn sinh hoạt bình thường, không gặp tình trạng nhiễm khuẩn tiết niệu.
Bác sĩ Liên cho biết, tiểu ra dưỡng chấp nếu không phát hiện, xử lý kịp thời có thể sẽ gây suy kiệt, thậm chí tử vong
Tại Việt Nam, tiểu ra dưỡng chấp thường gặp ở bệnh lý giun chỉ, nhất là vùng dịch tễ có giun chỉ lưu hành. Triệu chứng của bệnh rất đặc trưng, bệnh nhân đi tiểu nhiều và nước tiểu trắng như sữa, không đau, buốt. Nếu ăn nhiều đồ mỡ, ăn nhiều chất dinh dưỡng, nước tiểu sẽ đục hơn. Do không có triệu chứng đau nên đa phần bệnh nhân chỉ tìm đến bác sĩ khi cơ thể suy kiệt. Những người mắc tình trạng này nếu không được can thiệp sẽ dễ bị nhiễm trùng, thậm chí tử vong do suy kiệt.
Ngoài nguyên nhân do giun chỉ gây ra, tiểu ra dưỡng chấp còn gặp ở trường hợp có chấn thương thận (nhưng hiếm gặp) do tai nạn, va đập, hay bệnh nhân bị vỡ đài bể thận.
Bác sĩ Liên khuyến cáo, khi có bất thường về màu sắc nước tiểu, mọi người cần đi khám sớm để xác định nguyên nhân, từ đó được điều trị kịp thời.
Giun chỉ là bệnh lý ký sinh trùng gây ra bởi giun chỉ. Loại ký sinh trùng này lây truyền từ người này sang người khác thông qua muỗi đốt và phát triển thành giun trưởng thành trong hệ mạch bạch huyết của người.
Ấu trùng giun chỉ và giun chỉ trưởng thành không thể tồn tại trong môi trường tự nhiên mà chỉ ký sinh trong cơ thể người và trong cơ thể của muỗi truyền bệnh. Tại nước ta, khí hậu nóng ẩm, người dân còn duy trì các phong tục tập quán như sinh hoạt dùng nước ao, nhiều kênh mương... là những yếu tố thuận lợi cho muỗi lây truyền bệnh giun chỉ sang người.