Bà Trần, đang sống cùng gia đình tại Hoàng Phố (Quảng Đông, Trung Quốc). Sức khỏe của bà vốn rất tốt, từ khi còn trẻ đã chăm chỉ đi khám định kỳ và tập thể dục hàng ngày.
Vào 1 ngày mùa đông cuối năm, sau khi đi mua sắm cùng bạn bè, về đến nhà bà đột nhiên thấy nhức đầu, sốt nhẹ. Nghĩ là bị cảm cúm, bà Trần cũng chỉ tự mua thuốc về uống. Tuy nhiên, sau 2 ngày bệnh vẫn không khỏi, ngược lại còn bị sốt cao hơn 40 độ và co giật. Người nhà hoảng hốt gọi xe cấp cứu đưa bà tới bệnh viện gần nhất.
Ảnh minh họa
Đến nơi, bà Trần đã bất tỉnh và rơi vào tình trạng vô cùng nguy kịch. Mặc dù cấp cứu thành công nhưng nằm tại phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) 4 ngày bà vẫn luôn hôn mê, sốt cao từ 39 - 42 độ. Sau khi cẩn trọng phân tích tình hình, bác sĩ điều trị quyết định chuyển bà Trần tới Bệnh viện não Sanjiu Quảng Đông.
Tại đây, bà được chụp MRI và thực hiện thêm nhiều kiểm tra chuyên sâu khác. Kết quả, Trưởng khoa Thần kinh Zhong Shuisheng kết luận bà Trần bị nhiễm trùng nội sọ do nhiễm vi khuẩn Listeria. Nếu không phẫu thuật sớm sẽ gây nguy hiểm tính mạng, thậm chí điều trị thành công cũng không thể đảm bảo không để lại di chứng thần kinh.
Thức ăn thừa để lâu trong tủ lạnh có thể giết người
Trưởng khoa Zhong kể lại, trong quá trình phẫu thuật, vi khuẩn Listeria được tìm thấy trong dịch não tủy và huyết thanh của bệnh nhân. Mất khá nhiều thời gian ông mới có thể xử lý vùng nhiễm trùng và các biến chứng khác.
Cũng may là ca phẫu thuật thành công hơn mong đợi, điều trị hậu phẫu cho kết quả tốt. Sau 2 ngày theo dõi tại ICU, các triệu chứng sốt, viêm của bà Trần hoàn toàn biến mất. Bà được chuyển đến phòng bệnh của Khoa Thần kinh và hồi phục sức khỏe rất nhanh.
Điều tra bệnh sử cho thấy, vi khuẩn Listeria xâm nhập vào não bà Trần thông qua đường ăn uống. Cụ thể, trước khi phát bệnh mấy ngày, bà đã ăn món cơm rang gà để trong tủ lạnh nhiều ngày.
Bác sĩ giải thích, có 2 đường lây nhiễm vi khuẩn Listeria. Thứ nhất là truyền từ mẹ sang con qua nhau thai hay trong quá trình sinh đẻ, thứ hai là qua đường ăn uống. Trong đó, đường ăn uống như khi ăn phải thức ăn bị nhiễm vi khuẩn, ngộ độc thực phẩm là phổ biến hơn rất nhiều.
Những người nhiễm vi khuẩn Listeria được gọi là bệnh nhân Listeriosis. Ở phụ nữ mang thai mắc bệnh có thể lây truyền sang thai nhi gây sảy thai, thai chết lưu, đẻ non. Hoặc là trẻ sơ sinh sẽ bị nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não sau sinh từ 1 đến 4 tuần.
Còn với đường ăn uống, vi khuẩn sau khi xâm nhập vào cơ thể có thể gây bệnh tại đường tiêu hóa. Nặng hơn là xâm nhập vào máu gây tình trạng nhiễm khuẩn huyết hoặc tấn công hệ thần kinh trung ương gây viêm màng não, nhiễm trùng nội sọ, dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Vi khuẩn Listeria phân bố rộng rãi trong tự nhiên và có thể tồn tại ở nhiệt độ 0 - 45 độ C. Ở nhiệt độ ngăn lạnh của tủ lạnh, chúng vẫn có thể phát triển và sinh sản nên còn được gọi là “sát thủ tiềm ẩn trong tủ lạnh”. Mỗi dịp lễ, Tết số ca nhập viện vì nhiễm khuẩn này thường tăng cao đột biến do lượng thức ăn thừa cần bảo quản tăng cao, ngộ độc thực phẩm cũng nhiều hơn.
Vì vậy, Trưởng khoa Zhong nhắc nhở chúng ta nên làm sạch và khử trùng tủ lạnh thường xuyên, nhất là dịp Tết. Khi bảo quản nên tách rời đồ ăn sống và chín, hạn chế ăn đồ ăn chín lưu trữ trong tủ lạnh nhiều ngày. Khi ăn, nhất định phải hâm nóng lại, nếu sau 1 lần hâm nóng mà vẫn không ăn hết tốt nhất là bỏ đi thay vì tiếc rẻ rồi mang bệnh vào người.
Ngoài ra, nên đặc biệt cẩn trọng với các loại thực phẩm có nguy cơ nhiễm khuẩn cao như phô mai, sữa chua, sữa tươi, nhất là sữa tươi chưa tiệt trùng. Tránh xa phân, nước thải, rau củ thối hỏng… và luôn rửa tay kỹ trước khi nấu ăn, ăn uống để bảo vệ sức khỏe.
Nguồn và ảnh: Sohu, Eat This, The Sun