Trong dịp Tết đến, Xuân về, rượu bia là thức uống truyền thống gần như không thể thiếu và trở thành một phần của văn hóa Tết, những ngày này lượng rượu bia tiêu thụ tăng lên đáng kể.
Nhiều người sau khi uống rượu, bia thường xuất hiện tình trạng đau đầu. Nguyên nhân là chất ethanol trong rượu khiến cơ thể tăng thải nước tiểu bằng cách ức chế hormon kháng lợi niệu làm cho cơ thể bị mất nước, acetaldehyde tăng cao, huyết áp giảm do các mạch máu cung cấp cho não được mở rộng hơn.
Nhiều người xuất hiện tình trạng đau đầu sau uống rượu bia - Ảnh minh hoạ
Ethanol trong rượu khiến cho người sử dụng phải đi tiểu nhiều hơn bình thường, khiến cơ thể mất nước nhiều, giảm huyết áp. Vì thế, người uống rượu thường thấy khát nước, có thể kèm theo tình trạng chóng mặt, choáng. Bên cạnh đó, rượu cũng là nguyên nhân dẫn đến giãn các mạch máu, trong đó có những mạch máu nuôi não và gây đau đầu.
Nghiên cứu cho thấy ngay sau khi được hấp thụ vào máu, cơ thể bắt đầu tiến hành hoạt động đào thải rượu, bia ra ngoài. Khoảng 10% được thải ra ngoài qua mồ hôi, nước tiểu, hơi thở, 90% còn lại sẽ được hấp thu và chuyển hóa ở gan. Song gan chỉ có thể xử lý được một lượng cồn nhất định mỗi giờ.
Thông thường, sau khi uống rượu, bia nhiều người cảm thấy buồn ngủ, muốn đi ngủ ngay lập tức nhưng lại không thể ngủ sâu giấc và họ rất dễ bị tỉnh giấc giữa đêm và cảm thấy mệt mỏi, đau nhức đầu khi tỉnh dậy.
Hiện tượng này thường rất khó chịu và đặc biệt ảnh hưởng không nhỏ đến công việc nên nhiều người muốn dùng thuốc giảm đau để khống chế tình trạng này.
Tuy nhiên, giới chuyên môn cảnh báo khi bị đau đầu do uống rượu, bia lại tuyệt đối không nên sử dụng các loại thuốc giảm đau như paracetamol (acetaminophen) vì sẽ làm tăng gấp đôi tác hại lên gan.
Trong các ngày Tết, lượng rượu, bia hấp thụ nhiều hơn bình thường khiến gan không kịp sản xuất đủ men để chuyển hóa cồn. Lúc này các độc chất được tạo ra từ rượu, bia sẽ bị ứ lại trong cơ thể, trực tiếp phá hủy tế bào gan và gây độc cho nhiều cơ quan nội tạng khiến cơ thể bị mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn… thậm chí có thể nhập viện do men gan cao, viêm gan cấp, suy gan…
Hơn nữa, trong thành phần thuốc giảm đau paracetamol lại có thể gây nguy cơ hoại tử gan cấp hoặc mạn tính nếu lạm dụng.
Uống nhiều nước lọc giúp làm loãng nồng độ cồn trong máu
Giới chuyên môn cảnh báo, đối với người hay uống rượu, bia thì chỉ cần dùng với liều thông thường cũng có thể gây hại cho gan. Do vậy, khi bị đau đầu do rượu, bia, nên tìm cách khác để giảm đau như uống nhiều nước. Có thể uống một cốc nước đầy sau mỗi một ly rượu. Ngoài ra, có thể uống nước canh, nước cháo loãng, súp… để làm loãng nồng độ cồn trong máu. Tránh uống các thức uống có gas vì chúng sẽ đẩy nhanh quá trình hấp thụ rượu bia vào cơ thể; ăn cháo loãng hoặc súp nóng để bổ sung muối natri và kali giúp cơ thể hồi phục nhanh.
Trong trường hợp những cơn đau quá dữ dội, có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để được kê đơn thuốc. Một số loại thuốc giảm đau có thể là lựa chọn trong những trường hợp này. Những tuyệt đối không tự ý sử dụng, nếu sử dụng không đúng loại thuốc, không đúng liều lượng trong khi bạn đã uống quá nhiều rượu, nó sẽ gây hại cho sức khỏe của mình, làm tổn thương gan và nhiều cơ quan khác trong cơ thể.
Để bảo đảm sức khỏe trong dịp Tết cổ truyền và các ngày lễ hội xuân, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến nghị đối với người có uống rượu, bia trong dịp Tết cổ truyền hoặc dịp lễ hội như sau: Cố gắng kiểm soát lượng uống ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần uống. Nên uống từ từ, kết hợp vừa ăn vừa uống, uống xen kẽ với nước lọc. Phải uống rượu, bia rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng. Sau khi uống, không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn vì dễ bị ngã, va chạm, chấn thương,… Tuyệt đối không điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia. |