Người phụ nữ giả câm điếc đến trung tâm xét nghiệm ADN và sự thật được vạch trần sau cuộc ngã giá...

Vì muốn bản thân và con trai được sống trong gia đình khá giả, người phụ nữ đã dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích, nhưng cuối cùng công lý và sự thật đã chiến thắng.

Một chiều mùa đông, ông Đ.V.L và vợ (ở Hà Nội) ăn mặc sang trọng, đưa theo một đứa trẻ mới hơn một tuổi cầm theo mẫu tóc đến Trung tâm phân tích ADN và Công nghệ di truyền Hà Nội để làm xét nghiệm quan hệ huyết thống cha con. "Mẫu tóc này không phải của tôi, mà là của con trai tôi", nói vậy rồi hai vợ chồng ông L không giải thích gì thêm, hẹn một tuần sau đến lấy mẫu.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Nga - Giám đốc trung tâm cho biết, ngay sau khi nhận mẫu và làm các bước để tiến hành xét nghiệm, bà nhận được tin nhắn từ một người phụ nữ tên H.T.N, là mẹ của cháu bé được ông bà vừa đưa đến xét nghiệm ADN. Mục đích của người phụ nữ này là nhờ vả trung tâm làm sai kết quả xét nghiệm để cho hai mẫu có cùng huyết thống với nhau.

Cháu bị câm điếc rất khổ sở, nếu họ không nhận con nhận cháu, hai mẹ con cháu sẽ phải ra đường. Trong khi cháu bị câm điếc nên không có tiền nuôi con”, người phụ nữ nhắn. Nhận được tin nhắn đó, dù rất thương cảm với hoàn cảnh người phụ nữ, nhưng bà Nga chỉ biết đáp lại rằng: “Dù rất thương chị, nhưng chúng tôi phải làm đúng, không thể làm sai được vì như vậy là vi phạm pháp luật. Hơn nữa đây còn là danh dự và trách nhiệm nghề nghiệp của chúng tôi”.

Rất nhiều người vì mục đích cá nhân, sẵn sàng chi rất nhiều tiền để mua chuộc kết quả ADN. Ảnh minh họa.

Rất nhiều người vì mục đích cá nhân, sẵn sàng chi rất nhiều tiền để mua chuộc kết quả ADN. Ảnh minh họa. 

Tưởng rằng mọi chuyện như thế là xong, nhưng ngày hôm sau, một người phụ nữ bịt mặt kín mít đến trung tâm, ra hiệu mình bị câm điếc và xin được vào trong. Khi tiếp xúc, bà Nga nhận ra đây chính là người đã nhắn tin ngày hôm trước. Tại đây, người phụ nữ tên N viết ra tờ giấy rằng: “Tôi bị câm điếc, lại mắc bệnh hiểm nghèo không sống được bao lâu. Mong trung tâm làm xét nghiệm cho hai mẫu cùng huyết thống và tôi xin hậu tạ”. Dù người phụ nữ dùng tiền để mua chuộc, nhưng bà Nga vẫn trả lời như trước: “Không thể thay đổi kết quả”.

Một tuần sau ông L và vợ đến trung tâm lấy kết quả xét nghiệm ADN. Kết quả xét nghiệm kết luận, con trai ông L và đứa bé ông đưa đến không cùng huyết thống cha-con. Cầm tờ kết quả trên tay, vợ chồng ông L mới chia sẻ về câu chuyện của gia đình mình. Qua đó, bà Nga mới biết được, người phụ nữ nhắn tin, mua chuộc bà nói rằng bị câm điếc, mắc bệnh là hoàn toàn dối trá.

Theo đó, gia đình ông L khá giàu có, do vậy con trai ông có chơi bời, qua lại với nhiều người phụ nữ. Trong số những cô gái mà con trai ông L qua lại, có người phụ nữ tên N – người giả câm điếc để mong trung tâm xét nghiệm làm sai kết quả ADN.

Dù chị N đã có con hơn một năm, nhưng gần đây khi biết gia đình ông L có điều kiện, nên đã mang đứa trẻ đến và khẳng định đây máu mủ của con trai ông L. Người con trai cũng thừa nhận rằng, có quan hệ và qua lại với người phụ nữ này, nên đứa trẻ có thể là con mình nên bảo bố mẹ nhận cháu.

Bà Nguyễn Thị Nga cho biết, với công nghệ hiện đại việc xét nghiệm ADN rất khó cho kết quả sai lệch. Ảnh minh họa.

Bà Nguyễn Thị Nga cho biết, với công nghệ hiện đại việc xét nghiệm ADN rất khó cho kết quả sai lệch. Ảnh minh họa. 

Do có nhiều nghi ngờ, vì thế vợ chồng ông L trước mặt thì nhận cháu, nhưng âm thầm đưa đi xét nghiệm ADN và tìm hiểu về nhân thân mẹ cháu bé. “Ngoài xét nghiệm đứa trẻ không phải cháu nội của chúng tôi, người phụ nữ kia thân thế cũng rất mờ ám. Chúng tôi đi xác minh, tìm hiểu nhiều nơi theo những địa chỉ cô ấy cho nhưng khi hỏi không ai biết người phụ nữ này”, ông L chia sẻ.

Kết thúc câu chuyện, vợ chồng ông L cầm tờ xét nghiệm ra về, còn bà Nga chỉ biết lắc đầu ngao ngán và nói: “Điều này đủ biết sự thật thà của người phụ nữ này. Việc lấy được chồng khá giả ai cũng muốn, nhưng lấy con trẻ ra để ràng buộc người khác là không nên. Hơn thế nữa không thể mang sự dối trá, không chung thủy để mong đổi lại sự sung sướng và hạnh phúc cho bản thân mình”.

Theo bà Nga, với kỹ thuật xét nghiệm và máy móc hiện đại như ngày nay, việc xét nghiệm huyết thống cha-con nếu mẫu đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì tuyệt đối không có sự sai lệch. Theo đó, xét nghiệm ADN sẽ cho kết quả chính xác lên đến 100% nếu không cùng huyết thống và chính xác đến 99,99% nếu có cùng huyết thống. Tất nhiên, cũng sẽ có trường hợp kết quả bị sai lệch do mẫu không đủ điều kiện, nhầm lẫn hoặc nhân viên cố tình làm sai.

Từ gia vị được ví như vàng trắng đến sát thủ tàn phá sức khỏe, nhiều người Việt đang lầm tưởng khi sử dụng