Mới đây, bà L.T.N (42, tuổi, quê An Giang) nhập viện do bị hóc xương khi ăn cháo vịt. Trong 3 ngày đầu, bà N. làm theo phương pháp dân gian là tìm người "đẻ ngược" để vuốt vùng cổ nhưng tình trạng hóc xương không cải thiện, nuốt ngày càng đau hơn. Bà đã đến bệnh viện địa phương để lấy xương nhưng không thành.
Mảnh xương móc cạnh chắn thực quản ông P.V.T
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bà N. nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng nặng, có ổ mủ do thực quản bị thủng, áp xe cạnh thực quản. Kiểm tra, phát hiện dị vật xương dài khoảng 3cm, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật lấy ra và điều trị nhiễm trùng cho bà. Hiện nay, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.
Trường hợp thứ hai là ông P.V.T (81 tuổi, ngụ Đồng Nai), có tiền sử tai biến và nhiều bệnh nền. Ông T. nhập cấp cứu vì bị hóc xương, đau vướng họng và không ăn uống được.
Trước đó, ông T. ăn thịt chim cút và nhai luôn cả xương. Hôm sau, ông cảm thấy đau, cảm giác như có gì vướng ở họng nên báo người nhà. Tuy nhiên, gia đình nghĩ rằng xương chim cút nhỏ không dễ bị mắc nên chưa đưa đi khám. Vài ngày sau, khi ông đau nhiều, gia đình mới đưa đến bệnh viện địa phương khám trước khi chuyển tuyến lên Bệnh viện Chợ Rẫy.
Sau khi kiểm tra và phẫu thuật nội soi, các bác sĩ đã gắp ra chiếc xương dài khoảng 4cm móc sát miệng thực quản ông T. Sức khoẻ ông cũng đã tạm ổn sau 5 ngày điều trị.
BS CK2 Hoàng Bá Dũng, Trưởng Khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết tình trạng hóc xương, hóc dị vật không phải là một bệnh lý. Tuy nhiên, khi mắc phải, nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời sẽ rất nguy hiểm vì gây áp xe cổ, áp xe cổ lẫn trung thất… dẫn đến sức khỏe người bệnh bị đe dọa.