10 ngày có hơn 1.300 ca đau mắt đỏ
Theo Sở Y tế Đà Nẵng, từ ngày 1/1 đến 11/9, có hơn 22.000 trường hợp viêm kết mạc cấp (đau mắt đỏ) khám và điều trị tại Bệnh viện Mắt Đà Nẵng. Trong đó có gần 11.600 trẻ em, chiếm hơn 50%.
Số ca đau mắt đỏ tại Đà Nẵng tăng đột biến.
Theo các bác sĩ, đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc ở trẻ em. Bệnh này có thể để lại di chứng như chói sáng, chảy nước mắt,...
Theo ghi nhận của PV, những ngày qua, Bệnh viện Mắt Đà Nẵng (đường Phan Đăng Lưu) đã tiếp nhận hàng trăm ca đến thăm khám. Đáng báo động, có rất nhiều trường hợp là trẻ em đau mắt đỏ đi cùng người nhà đến kiểm tra mắt. Do số lượng bệnh nhân tăng đột biến nên nhiều người phải xếp hàng chờ đợi khá lâu mới đến lượt khám.
Từ sáng sớm, chị Lê Anh Thư (36 tuổi, trú quận Hải Châu) đã đưa con trai 7 tuổi đến Bệnh viện Mắt Đà Nẵng để khám. Qua thăm khám, bác sĩ kết luận cả 2 mẹ con chị Thư đều bị viêm kết mạc hay còn gọi là đau mắt đỏ. Bác sĩ kê đơn mua thuốc về nhà tự nhỏ, dặn bệnh nhân chú ý vệ sinh cá nhân, tăng cường sức đề kháng, 4 ngày sau quay lại bệnh viện tái khám.
Rất đông người dân chờ khám tại Bệnh viện Mắt Đà Nẵng.
Số lượng trẻ em khám ngoại trú tăng đột biến, trong đó trên 80% trẻ em được chẩn đoán mắc đau mắt đỏ.
Theo Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, tính riêng từ ngày 1 đến 10/9, đơn vị đã khám và điều trị 1.335 trường hợp viêm kết giác mạc cấp (bệnh đau mắt đỏ), trong đó có 767 trẻ em (chiếm tỷ lệ 57,5%). Số lượng trẻ em khám ngoại trú tăng đột biến, trong đó trên 80% trẻ em được chẩn đoán mắc đau mắt đỏ. Đặc biệt, người bệnh ngoài cư dân Đà Nẵng còn có nhiều người dân đến từ các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và một số tỉnh ở Tây Nguyên…
Bác sĩ Nguyễn Thị Huyền Trang (Bệnh viện Mắt Đà Nẵng) cho biết, bệnh đau mắt đỏ năm nay lây lan rất nhanh, biến chứng nặng, gặp rất nhiều ở trẻ em dưới 15 tuổi và có nguy cơ bùng phát thành dịch bệnh, nhất là trong bối cảnh học sinh vừa trở lại học tập trung tại các trường học.
Ghi nhận tại Bệnh viện mắt Đà Nẵng những ngày qua, trung bình cứ 10 bệnh nhân đến khám thì có 8 trường hợp bị đau mắt đỏ, đa phần là trẻ em dưới 15 tuổi.
"Có trường hợp, ngày hôm nay tiếp xúc với bệnh nhân, hôm sau cả gia đình bệnh nhân này cùng bị nhiễm bệnh. Vậy nên, một khi bị nhiễm bệnh thì không nên dùng chung khăn, không ôm hôn, không ngủ cùng. Đặc biệt, bệnh đau mắt đỏ diễn tiến rất nhanh và nguy cơ biến chứng khá cao nên người bệnh cần đến các cơ sở y tế để thăm khám, điều trị, tránh việc tự ý mua thuốc để điều trị ở nhà", bác sĩ Huyền Trang khuyến cáo.
Đà Nẵng yêu cầu xử lý sớm và triệt để khi phát hiện ổ dịch
Trước tình hình các ca bệnh đau mắt đỏ tăng nhanh, chiều nay (12/9), Sở Y tế Đà Nẵng đã có công văn khẩn đề nghị Sở GD&ĐT, các quận huyện chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện các biện pháp phòng bệnh trong nhà trường và thông báo ngay cho các đơn vị y tế dự phòng khi phát hiện học sinh mắc bệnh để triển khai xử lý ổ dịch sớm, triệt để. Các trường mầm non, nhóm trẻ cần đảm bảo vệ sinh trường học, đồng thời hướng dẫn cho phụ huynh cách phòng bệnh đau mắt đỏ.
Sở cũng đề nghị các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ. Các cơ sở y tế tổ chức tốt việc khám, phát hiện, tư vấn, điều trị; cập nhật các phác đồ điều trị, tích cực công tác khám bệnh, chữa bệnh, hội chẩn, chuyển tuyến theo quy định; hạn chế đến mức thấp nhất biến chứng nặng liên quan đến bệnh đau mắt đỏ. Sở cũng lưu ý các cơ sở phải báo cáo, đề xuất Sở xử lý khi xảy ra tình trạng quá tải.
Một em nhỏ được mẹ đưa đến khám mắt.
Nhiều người lớn cũng bị đau mắt đỏ.
Đồng thời, Đà Nẵng cũng yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn chuẩn bị đầy đủ không để thiếu thuốc, không tăng giá thuốc; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Bệnh viện Mắt chủ trì, phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Nhi cập nhật, khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn chẩn đoán, điều trị bệnh đau mắt đỏ đối với các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn, kể cả khối bệnh viện bộ, ngành, tư nhân…