hôm nay Tổng ca nhiễm Ca tử vong
Chiều 1/6, trả lời báo chí từ tâm dịch Bắc Giang, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn - Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế cho biết, đến nay, Bắc Giang huy động lực lượng cán bộ y tế đông nhất từ trước đến nay với khoảng 2.200 các y, bác sĩ; sinh viên trường đại học; các tình nguyện viên trong công tác giám sát, thu dung, điều trị và kiểm soát dịch tại các khu công nghiệp và toàn tỉnh Bắc Giang.
Từ khi thành lập (ngày 8-5) đến nay, Bộ phận thường trực đặc biệt đã góp phần giúp đỡ cho tỉnh ủy, UBND, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Bắc Giang trong các hoạt động chỉ đạo, điều hành, đặc biệt hoạt động giám sát dịch tễ. Bộ Y tế đã cử chuyên gia giỏi nhất về điều trị hỗ trợ xây dựng khu hồi sức cho Bắc Giang. Lực lượng y tế tham gia vào công tác điều trị trực tiếp, thu dung các bệnh nhân COVID-19. Bên cạnh đó, một công tác vô cùng quan trọng phải làm thần tốc là lấy mẫu xét nghiệm cũng đã được Bộ Y tế điều động lực lượng nhân viên y tế rất lớn đến lấy mẫu khoanh vùng, dập dịch sớm.
"Tôi đánh giá cao sự hợp tác của UBND tỉnh với các tiểu ban đã phối hợp chặt chẽ với tiểu ban của Bộ phận thường trực đặc biệt, đem đến hiệu quả làm việc, giúp công tác phòng, chống dịch nâng lên một bước rõ rệt", Thứ trưởng nói.
Nhân viên y tế chống dịch trong thời tiết nắng nóng. (Ảnh: Dương Hải).
Trong thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài tại tỉnh Bắc Giang và một số tỉnh thành lân cận thì đội ngũ nhân viên y tế, đặc biệt là các lực lượng y tế thực hiện nhiệm vụ ở ngoài trời phải mặc quần áo bảo hộ theo đúng quy định phòng dịch đã gặp phải rất nhiều khó khăn, vất vả khi đi làm nhiệm vụ.
Trước vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chia sẻ Bộ phận thường trực của bộ tại Bắc Giang rất quan ngại và đã chỉ đạo, yêu cầu tất cả đoàn công tác phải đảm bảo sức khỏe cho thầy thuốc, y bác sĩ. Những chiến sĩ ở tuyến đầu phải được bồi dưỡng về mặt dinh dưỡng, đủ nước uống, nâng cao sức khỏe khi chống dịch.
Vừa qua, một số ý kiến cho rằng nhân viên y tế, đặc biệt đội ngũ lấy mẫu xét nghiệm, lực lượng làm việc ở tại cộng đồng có thể không nhất thiết phải mặc bộ quần áo bảo hộ kín như vậy.
Trước những ý kiến này, Thứ trưởng Sơn khẳng định, quan điểm của Bộ Y tế cho đến giờ phút này là tiêu chí an toàn của người lấy mẫu đặt lên hàng đầu. Do đó, từ khi dịch bùng phát, tất cả nhân viên y tế đi lấy mẫu đều đã được trang bị trang phục, đồ bảo hộ an toàn.
“Với ý kiến cho rằng, không cần thiết bộ trang phục bảo hộ, chúng tôi sẽ lưu ý và nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, bỏ bộ trang phục sẽ làm mất vũ khí bảo vệ cho nhân viên y tế khi tham gia lấy mẫu”, Thứ tưởng Bộ Y tế cho biết.
Bộ Y tế đã đề nghị Viện Vệ sinh Lao động về những trang phụ bảo hộ có thổi khí từ bên ngoài, giảm nhiệt độ bên trong. Theo ông Sơn, trong ngày 1/6, Bắc Giang sẽ triển khai một số thử nghiệm loại trang phục này, có thể cung cấp rộng rãi cho các nhân viên làm nhiệm vụ lấy mẫu, tiếp nhận, điều trị, hồi sức.
Nhằm giảm thiểu khắc nghiệt của thời tiết, ông Sơn cho biết ngành y tế địa phương và bộ đã điều chỉnh thời gian lấy mẫu tại cộng đồng, với hai ca là từ sáng sớm đến 9h, 19h-23h. Các điểm lấy mẫu phải ở vùng râm mát, có thông khí, quạt. Buổi tối, ban đêm, những khu vực lấy mẫu cần có đủ ánh sáng để đảm bảo công tác an toàn, chính xác.
Giải pháp khả thi nhất hiện nay là sử dụng quạt đeo, giúp không khí đối lưu khi mặc bộ đồ, làm giảm nóng bức khó chịu. Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường đã nghiên cứu, chế tạo xong và chờ nhà sản xuất. Ngoài ra, Bộ Y tế đang xem xét giải pháp cấp khí sạch làm mát tạm thời cho nhóm 4 người.