Nhiệt miệng kéo dài, tái phát liên tục: Dấu hiệu cảnh báo ung thư lưỡi

Ung thư lưỡi không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu, do vậy nhiều người hay nhầm lẫn là bị nhiệt miệng hoặc viêm loét miệng thông thường.

Mẹ tôi năm nay hơn 60 tuổi, có thói quen ăn trầu hàng ngày. Ngoài việc tôi thấy mẹ thi thoảng bị nhiệt miệng thì chưa thấy có gì bất thường.

Nhưng tôi cũng có nghe thông tin rằng việc ăn trầu có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư lưỡi. Điều này có đúng không, thưa bác sĩ? (Minh Anh, Phú Thọ).

Trả lời

Nhiệt miệng là căn bệnh lành tính và không ảnh hưởng đến tính mạng, tuy nhiên nếu bệnh kéo dài và tái phát liên tục tại một vùng nhất định thì đây có thể là dấu hiệu của một căn bệnh khác nguy hiểm hơn, đó là ung thư lưỡi.

Bệnh ung thư lưỡi thường gặp ở nam giới trên 50 tuổi, nhưng những năm gần đây căn bệnh này đang ngày càng có dấu hiệu trẻ hóa, nhiều phụ nữ cũng mắc.

Ung thư lưỡi không có dấu hiệu, triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu cho đến khi bệnh phát tác, do vậy nhiều người hay nhầm lẫn là bị nhiệt miệng hoặc viêm loét miệng thông thường.

Trên thực tế, nhiều người chỉ đi khám khi bệnh đã tiến triển nặng, nuốt khó, đau khi nhai, có vết loét vùng lưỡi dai dẳng kéo dài hơn 2 tuần, lâu liền, hoặc sờ thấy hạch bất thường ở vùng cổ.

Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh ung thư lưỡi là do hút thuốc. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây các bệnh ung thư khoang miệng nói chung.

Hút thuốc là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh ung thư lưỡi. (Ảnh minh hoạ)

Hút thuốc là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh ung thư lưỡi. (Ảnh minh hoạ)

Nguyên nhân thứ hai là do uống nhiều rượu. Trong rượu có chứa các tác nhân hoá học gây bệnh ung thư lưỡi, ngoài ra rượu còn là một chất dung môi hoà tan các tác nhân gây ung thư. Do vậy, người vừa hút thuốc, vừa uống nhiều rượu có nguy cơ mắc ung thư lưỡi rất cao.

Một nguyên nhân nữa có thể gây ung thư lưỡi là thói quen ăn trầu, bởi trong trầu có chất arecolin - một tác nhân gây ung thư. Cùng với đó, khi ăn trầu sẽ cần thêm vôi, trong khi đó vôi có tính mặn và bỏng, nếu ăn nhiều sẽ gây bỏng niêm mạc miệng. Ngoài ra, chất thô xơ có trong cau cũng làm cọ rát, gây tổn thưởng mãn tính ở vùng miệng.

Bên cạnh đó, một số nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư lưỡi có thể kể đến như vệ sinh răng miệng kém, chế độ ăn hàng ngày thiếu vitamin C, D, E.

Tuỳ từng giai đoạn bệnh được chẩn đoán mà cách điều trị bệnh ung thư lưỡi và những biến chứng của bệnh sẽ khác nhau. Trong trường hợp khối u đã xâm lấn vào các mạch máu lớn ở vùng họng, nhất là động mạch lưỡi, thì có thể gây chảy máu ồ ạt, thậm chí dẫn tới tử vong.

Người bệnh nên thường xuyên đi khám bệnh định kỳ để có thể sàng lọc, phát hiện sớm các vấn đề về sức khoẻ, để kịp thời can thiệp, điều trị bệnh. Đối với bệnh ung thư lưỡi, sau khi bệnh nhân được xác định mắc bệnh, các bác sĩ sẽ tiến hành các biện pháp để điều trị như phẫu thuật cắt khối u, hoặc điều trị hoá chất kèm xạ trị kết hợp.

Bác sĩ NGUYỄN MINH TUẤN

Khoa Phẫu thuật ung bướu, Trung tâm Ung bướu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ)