Nhóm nhà khoa học Anh sản xuất hàng triệu liều vắc-xin COVID-19 dù chưa thử nghiệm

Hàng triệu liều vắc-xin COVID-19 tiềm năng do các nhà khoa học Anh điều chế đang được sản xuất và có thể ra thị trường vào tháng 9 năm nay, trước khi tiến hành thử nghiệm để chứng minh hiệu quả của vắc-xin.

  

Nhóm nhà khoa học Anh sản xuất hàng triệu liều vắc-xin COVID-19 dù chưa thử nghiệm - 1

Hình ảnh virus corona gây ra đại dịch COVID-19

Sản phẩm thử nghiệm của nhóm nhà khoa học thuộc ĐH Oxford mang tên “ChAdOx1 nCoV-19” là vắc-xin véc-tơ tái tổ hợp. Đây là một trong ít nhất 70 loại vắc-xin phòng COVID-19 được các nhóm nghiên cứu và công nghệ sinh học khắp thế giới phát triển. 

Ít nhất 5 loại trong số đó đang được thử nghiệm lâm sàng trên người. 

Ngày 17/4, các nhà khoa học ở ĐH Oxford cho biết họ đang tuyển các tình nguyện viên cho bước một của giai đoạn thử nghiệm trên người, và việc sản xuất hàng loạt vắc-xin này đang diễn ra dù có rủi ro, nghĩa là thuốc được làm ra với quy mô lớn nhưng có nguy cơ không dùng được nếu kết quả thử nghiệm trên người cho kết quả không tốt. 

“Chúng tôi đã bắt đầu sản xuất mạo hiểm loại vắc-xin này không chỉ ở quy mô nhỏ nhất…mà với một mạng lưới các nhà sản xuất tại 7 địa điểm khác nhau trên thế giới”, GS Adrian Hill, giám đốc Viện Jenner thuộc ĐH Oxford, nói với báo giới tại cuộc họp trực tuyến ngày 17/4. 

“Mục tiêu của chúng tôi là có ít nhất 1 triệu liều vào tháng 9 này, thời điểm chúng tôi hy vọng cũng đã có kết quả thử nghiệm hiểu quả”, ông nói.

GS Hill cho biết họ có 3 đối tác sản xuất vắc-xin ở Anh, 2 ở châu Âu, một ở Ấn Độ và một ở Trung Quốc.

Các nhà khoa học nói rằng chi phí sản xuất ban đầu có thể tốn “hàng chục triệu” bảng Anh và thừa nhận có rủi ro về đầu tư khi sản xuất trước thử nghiệm.

Nhóm nghiên cứu không cho biết nguồn tiền từ đâu. 

Đến nay đã có hơn 2,14 triệu người trên thế giới mắc và 143.744 người chết vì COVID-19.

Nhóm của GS Hill cho biết họ sẽ bắt đầu thử nghiệm vắc-xin trên người trong độ tuổi từ 18-55 trong vài tuần tới. 

Sau đó họ sẽ mở rộng nhóm nghiên cứu sang những người nhiều tuổi hơn, và hy vọng sẽ thực hiện thử nghiệm giai đoạn cuối cùng với khoảng 5.000 tình nguyện viên vào cuối mùa hè này. 

GS Hill và các đồng nghiệp, trong đó có Sarah Gilbert, một giáo sư về vắc-xin tại ĐH Oxford, cho biết họ “có độ tin tưởng cao” rằng các thử nghiệm trên người đối với vắc-xin ChAdOx1 sẽ cho kết quả tích cực trong bảo vệ con người trước nguy cơ mắc COVID-19. 

Họ thừa nhận có nhiều nhóm nghiên cứu khác trên thế giới cũng đang tích cực điều chế vắc-xin, nhưng chỉ một phần trong số đó sẽ thành công. 

“Chúng ta không bao giờ có thể chắc chắn mọi thứ sẽ hoạt động ra sao. Tôi nghĩ vắc-xin này có cơ hội đạt hiệu quả cao”, GS Bilbert nói.

Về câu hỏi khi nào vắc-xin này – nếu chứng minh được hiệu quả - sẽ được cung cấp rộng rãi đến người dân, GS Hill nói rằng kịch bản tốt nhất là các nhà quản lý cấp phép để nó được đưa vào sử dụng khẩn cấp – có thể trong vòng 6 tuần sau khi dữ liệu chứng tỏ vắc-xin hiệu quả.

Điều đó nghĩa là vắc-xin sẽ được đưa vào sử dụng sau khoảng 6 tuần tính từ tháng 9, nếu kết quả thử nghiệm thuận lợi.