Sáng ngày 2/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long - Trưởng Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng COVID-19 năm 2021-2022.
GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ: Bộ Y tế đã và đang nỗ lực để làm sao có vắc-xin về Việt Nam ngày một nhiều, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của nhân dân. Tuy nhiên, do nguồn cung khan hiếm vào thời điểm này, nên cao điểm vắc-xin về Việt Nam là quý 4/2021. Dự kiến trong tháng 7/2021 sẽ có khoảng 8 triệu liều vắc-xin về Việt Nam.
GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế. (Ảnh: Trần Minh)
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, để triển khai chiến dịch hiệu quả và đảm bảo chất lượng vắc-xin, tất cả các quy trình phải phối hợp chặt chẽ từ vấn đề bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm, ứng dụng công nghệ thông tin và cả công tác truyền thông cho chiến dịch.
Đặc biệt, vấn đề an toàn tiêm chủng phải được đặt lên hàng đầu, tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc “tiêm đến đâu, an toàn đến đó”.
“Chúng ta cắt ngắn thủ tục hành chính, nhưng không được cắt ngắn quy trình chuyên môn, phải khám sàng lọc chặt chẽ. Việc hoãn tiêm đối với những trường hợp chống chỉ định trong tiêm chủng phải làm chặt chẽ. Ngay từ bây giờ phải lập danh sách đối tượng tiêm, để tiến hành sàng lọc xem đối tượng nào sẽ tiêm tại bệnh viện, đối tượng nào tiêm ở cơ sở y tế hay điểm tiêm lưu động”- GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Bộ trưởng Y tế khẳng định: Về mặt chuyên môn trong chiến dịch tiêm chủng phải đảm bảo an toàn tối đa.
Trưởng Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 nhấn mạnh là “tất cả các liều vắc-xin về đến Việt Nam phải được sử dụng hiệu quả, không được phép lãng phí một liều nào”.
Chiến dịch tiêm chủng lần này có điểm khác là công tác điều hành mọi quy trình tiêm chủng được thực hiện trực tuyến (online), quản lý bằng công nghệ thông tin. Việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp quản lý công khai, minh bạch mọi hoạt động tiêm chủng.
“Một điểm tiêm có bao nhiêu liều vắc-xin được phân bổ về, bao nhiêu người tiêm, còn lại bao nhiêu liều phải quản lý chặt chẽ. Cùng đó việc theo dõi chặt về nhiệt độ bảo quản vắc-xin nhằm đảm bảo chất lượng với vắc-xin được quan tâm sâu sát. chặt chẽ. Đây chính là lý do ban Chỉ đạo lập tiểu ban quản lý chất lượng vắc-xin”
Việc phân bổ vắc-xin sẽ tiếp tục được công khai minh bạch, phân bổ cho các điểm tiêm bao nhiêu, tiêm bao nhiêu liều, còn lại bao nhiêu để người dân giám sát chặt chẽ… Dự kiến, có khoảng 19.000 điểm tiêm và số lượng có thể thay đổi để phù hợp với thực tiễn.
TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, theo dự thảo Kế hoạch, thời gian triển khai Chiến dịch diễn ra từ tháng 7/2021-4/2022. Trong năm 2021, tiêm tối thiểu cho 50% người từ 18 tuổi trở lên. Tới hết quý 1/2022 sẽ có trên 70% dân số được tiêm vắc-xin.
Chiến dịch được triển khai trên toàn quốc, trong đó ưu tiên các tỉnh, thành phố đang có dịch, có nhiều khu công nghiệp. Trong tỉnh, thành phố ưu tiên tiêm chủng cho các đối tượng ở vùng đang có dịch. Các tỉnh thành phố nguy cơ (có nhiều khu công nghiệp, đông dân cư, có biên giới, giao lưu đi lại lớn, có cửa khẩu quốc tế…)..
Ông Tấn lưu ý, vấn đề chuẩn bị vật tư, dây chuyền lạnh và nhân lực cho tiêm chủng là rất cần thiết, do đó các địa phương cần có kế hoạch cụ thể về các nội dung này.
Đối với các cơ sở tiêm chủng cần phải tuân thủ giãn cách, có thể tiêm theo khung giờ để đảm bảo an toàn phòng chống dịch và thực hiện hiệu quả quản lý tiêm chủng bằng công nghệ.
Về vấn đề đảm bảo an toàn tiêm chủng, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đề nghị các địa phương ngay từ bây giờ phải kiện toàn các đội cấp cứu cơ động để sẵn sàng hỗ trợ các điểm tiêm khi cần. Cơ sở điều trị tổ chức tiêm cho đối tượng cần theo dõi đặc biệt: như có bệnh nền…