Rượu bia - chống chỉ định số 1 với người bệnh ung thư gan
Rượu bia và các loại đồ uống có cồn chính là các chất độc đối với tế bào gan và có thể giết chết các tế bào gan trong cơ thể. Rượu bia khiến các tế bào gan bình thường còn sót lại trong gan bị chết đi, xơ gan, làm cho tình trạng ung thư gan trở nên nghiêm trọng hơn, chuyên gia dinh dưỡng, TS.BS. Trương Hồng Sơn (Viện Y học ứng dụng Việt Nam) khẳng định.
Rượu bia và các loại đồ uống có chứa cồn sẽ ảnh hưởng đến một số phương pháp điều trị, chẳng hạn như phẫu thuật loại bỏ các mô gan bị ung thư.
Hạn chế tối đa thực phẩm nhiều chất béo xấu
Thịt mỡ, da gà, da heo, xúc xích, thịt nguội… là những thực phẩm người ung thư gan cần hạn chế tối đa trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Đây chính là những thực phẩm khiến gan tích tụ nhiều cholesterol và triglyceride, khiến khả năng lọc độc tố của gan suy giảm, dẫn tới gan xơ hóa và viêm, tổn thương. Từ đó tế bào ung thư sẽ ngày càng phát triển và khiến bệnh thêm nghiêm trọng.
Tránh thực phẩm, đồ uống chứa nhiều đường
Các loại đồ ăn hay đồ uống có chứa nhiều đường hay chất làm ngọt nhân tạo… cũng nằm trong danh sách cần tránh của người bị ung thư gan.
Khi cơ thể hấp thụ quá nhiều đường saccarozơ hoặc fructose thì sẽ bắt đầu kích hoạt phản ứng viêm, gây rối loạn chuyển hóa đường và chất béo ở gan. Ăn nhiều đường là một trong những nguyên nhân chính khiến người bệnh tăng cân béo phì. Từ đó dẫn đến bệnh tiểu đường loại 2 và gan nhiễm mỡ.
Các vấn đề này sẽ khiến sức khỏe tổng thể của người bệnh suy giảm nhanh và làm cho tình trạng bệnh ung thư gan tiến triển xấu hơn.
Tránh ăn các món nhiều gia vị cay nóng
Người bệnh thường phải đối mặt với chứng rối loạn tiêu hóa, loét miệng do sử dụng thuốc quá nhiều trong quá trình điều trị. Các loại gia vị cay nóng sẽ kích thích niêm mạc và khiến tình trạng loét miệng cũng như đau, viêm loét dạ dày trở nên nghiêm trọng hơn. Gia vị cay nóng hoặc các thực phẩm như mì cay, miến chua cay, lẩu cay… cần hạn chế tối đa trong thực đơn của bệnh nhân ung thư gan.
Hạn chế các thực phẩm chứa nhiều muối
Thực phẩm chứa nhiều muối điển hình là các loại thức ăn nhanh, đồ hộp… Ăn nhiều muối kết hợp với tăng huyết áp làm tăng nguy cơ ung thư gan nguyên phát.
Không nên ăn nhiều thịt đỏ
Thịt đỏ chứa nhiều cholesterol và chất béo bão hòa ảnh hưởng đến gan và khiến gan dễ tổn thương hơn. Ngoài ra, khi ăn thịt đỏ chế biến ở nhiệt độ cao, nhất là nướng thịt, có thể khiến cho tế bào ung thư gan trong cơ thể phát triển mạnh hơn.
Thức ăn không đảm bảo vệ sinh, độc hại
Khi bị ung thư, chức năng xử lý, loại bỏ độc tố trong cơ thể của gan trở nên yếu đi. Do đó, gan không thể loại bỏ các chất độc hại trong thực phẩm không đảm bảo chất lượng hay không được chế biến hợp vệ sinh, làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Lời khuyên dành cho người bệnh chính là nên tự chế biến thức ăn tại nhà, lựa chọn thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ.
Thực phẩm tái, sống, chưa tiệt trùng
Người bệnh không nên chất thêm gánh nặng cho gan bằng các loại thực phẩm tái, sống. Thịt tái, trứng lòng đào, hải sản sống… dễ chứa vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm và dẫn đến tiêu chảy, nhiễm trùng máu, nhiễm trùng gan.
Người bệnh ung thư gan cần hạn chế ăn thực phẩm tái, sống...
Bên cạnh đó, cũng nên hạn chế các loại sữa hay phô mai chưa tiệt trùng bởi các sản phẩm này có thể chứa vi khuẩn hoặc virus mà gan khó xử lý, loại bỏ.
Thức ăn khó tiêu
Nhiệm vụ của gan là giúp chuyển hóa các chất dinh dưỡng trong thức ăn mà bạn ăn hằng ngày. Việc ăn thực phẩm cứng, khó tiêu khiến gan phải hoạt động nhiều hơn để phân giải các loại thức ăn này, làm gan suy yếu thêm .
Ngoài thực phẩm, người bệnh ung thư gan còn cần tránh lối sống thiếu lành mạnh, khiến cho bệnh nặng thêm. Đó là: Nhịn ăn: Cần xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết để cơ thể có đủ năng lượng và sức đề kháng chống lại bệnh tật. Stress, căng thẳng quá mức: Phản ứng stress, áp lực, lo lắng làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến cơ thể không thể chống chọi với các triệu chứng do bệnh ung thư gan gây ra. Hút thuốc lá: Một số hóa chất trong khói thuốc lá có thể gây ra những thay đổi di truyền, kích thích tế bào ung thư phát triển mạnh mẽ hơn. Khói thuốc lá cũng có thể gây ra sẹo (xơ hóa) gan, một yếu tố nguy cơ gây ung thư gan và làm bệnh ung thư gan trở nên nặng nề hơn. Thức khuya: Rối loạn giấc ngủ làm tăng đáng kể nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm, từ đó kích thích các tế bào ung thư phát triển mạnh mẽ hơn. Dùng thuốc không được bác sĩ kê đơn: Uống thuốc tùy tiện, không đúng cách vừa khiến gan phải hoạt động nhiều hơn để đào thải thuốc ra khỏi cơ thể, vừa có thể gây tương tác với những loại thuốc đang điều trị bệnh và dẫn đến những tác dụng phụ nguy hiểm. Vận động quá mức: Điều này không tốt cho người bệnh ung thư gan bởi có thể khiến người bệnh mệt mỏi, ảnh hưởng đến quá trình điều trị, phục hồi. Tự ý ngừng điều trị: Người bị bệnh ung thư gan tuyệt đối không được ngừng hay thay đổi phác đồ điều trị nếu chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ. Thay vào đó, nên tuân thủ đúng dặn dò về việc bị ung thư gan kiêng ăn gì, sử dụng thuốc như thế nào, lịch tái khám ra sao… |