Su hào là loại rau củ quen thuộc trong bữa ăn của nhiều gia đình Việt Nam. Loại củ này còn được biết đến với các tên gọi khác như: Phiết làn, giới lan hay giá liên, có nhiều công dụng trong y học cổ truyền, bao gồm hỗ trợ điều trị các vấn đề như: Tiểu tiện khó khăn, nước tiểu đục, viêm xoang mũi và xuất huyết đường tiêu hóa...
Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), trong mỗi 100gr su hào chứa khoảng 27 calo, 6,2 g carbohydrate, 1,7 g protein, và 3,6 g chất xơ. Ngoài ra, su hào còn giàu vi chất dinh dưỡng như: 350 mg kali, 62 mg vitamin C, 24 mg canxi, 46 mg phốt pho, 19 mg magiê, 20 mg natri, 22 µg beta-caroten và 16 µg folate.
Đặc biệt, loại rau này là nguồn cung cấp vitamin C, một chất chống oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của gốc tự do và đóng vai trò chữa lành vết thương, tổng hợp collagen, hấp thu sắt và sức khỏe miễn dịch. Chất xơ trong su hào giúp hỗ trợ sức khỏe đường ruột và quản lý lượng đường trong máu. Vì vậy, ăn su hào hàng ngày có thể hỗ trợ tốt cho sức khỏe.
Ảnh minh họa
Bất ngờ công dụng của củ su hào với sức khỏe
Giảm nguy cơ mắc bệnh tiêu đường
Su hào có ít calo và giàu chất xơ. Chất xơ cần thời gian để phân hủy và làm chậm quá trình tiêu hóa, giúp giảm cảm giác đói bụng.
Với hàm lượng nước và chất xơ cao, su hào giúp tạo cảm giác no lâu, là thực phẩm lý tưởng hỗ trợ giảm cân hiệu quả, qua đó giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Giúp cải thiện huyết áp, tim mạch
Một bát su hào cung cấp nhiều kali hơn một quả chuối cỡ vừa, có lợi cho việc kiểm soát huyết áp. Kali có chức năng như một chất làm giãn mạch, giảm sức căng của mạch máu và động mạch.
Một nghiên cứu khác cho thấy su hào có hàm lượng anthocyanin (một chất chống oxy hóa) cao hơn, đặc biệt là ở giống su hào tím. Một chế độ ăn uống bổ sung anthocyanin có thể làm giảm nguy cơ đau tim và xơ cứng động mạch.
Ảnh minh họa
Tăng cường miễn dịch
Su hào rất giàu vitamin C, giúp thúc đẩy khả năng miễn dịch. Thời tiết giao mùa dễ khiến cơ thể mắc một số bệnh như viêm đường hô hấp, dị ứng, cảm cúm, sốt... Do đó, bổ sung su hào trong chế độ ăn uống hàng ngày sẽ làm tăng khả năng miễn dịch, phòng tránh bệnh tật.
Làm đẹp da
Việc hấp thụ đủ lượng vitamin C sẽ đảm bảo cơ thể sản xuất đủ các cytokine và tế bào lympho để chống lại nhiễm trùng. Hơn nữa, vitamin C có nhiều tác dụng hữu ích đối với làn da như tăng cường sinh tổng hợp collagen, thúc đẩy quá trình hydrat hóa da và bảo vệ da chống lại bức xạ tia cực tím.
Giúp xương chắc khỏe
Canxi là khoáng chất tạo nên sự cứng cáp và mạnh mẽ cho xương. Magiê làm tăng mật độ xương, giúp xương chắc khỏe và giảm nguy cơ gãy xương hoặc loãng xương. Hàm lượng canxi và magie cao trong su hào có tác dụng giúp xương chắc khỏe hơn.
Những hạn chế cần biết khi ăn su hào
Ảnh minh họa
Không ăn su hào sống
Su hào là thực phẩm có thể chế biến được với nhiều cách. Tuy nhiên, nếu ăn sống hàm lượng các chất sẽ cao hơn, nhưng có thể gây đau bụng cho một số người khó tiêu hóa. Kể cả những người bị đau dạ dày, trẻ nhỏ không nên cho món nộm su hào sống hoặc ăn sống trực tiếp.
Không ăn khi mắc bệnh tuyến giáp
Ngoài ra, su hào có thể chứa goitrogens, các hợp chất thực vật thường gặp trong các loại rau họ cải bắp như bông cải, súp lơ… có thể gây sưng tuyến giáp. Vì thế, những người bị rối loạn chức năng tuyến giáp nên hạn chế dùng su hào.
Không ăn quá nhiều su hào
Bác sỹ Đông y khuyên bạn không nên ăn quá nhiều su hào bởi su hào có thể giải độc, lợi tiểu, nên khi ăn nhiều quá trình thanh lọc diễn ra quá mạnh sẽ khiến cơ thể bị hao tổn khí huyết.