Hầu hết mỗi hộ gia đình đều sẽ có một chiếc ấm siêu tốc dùng để đun nước khi cần thiết. Ấm đun nước ngoài thị trường có rất nhiều mẫu mã, màu sắc và họa tiết khác nhau. Tuy nhiên, nhiều người vẫn có tâm lý ham mua đồ giá rẻ rồi "tậu" về những chiếc ấm siêu tốc chỉ có giá vài chục. Đây là một việc làm chẳng những gây ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh nghiêm trọng, điển hình có cả ung thư.
Bên cạnh đó, những chiếc ấm siêu tốc giá rẻ thường có ruột bình làm từ hợp chất kém chất lượng nên sẽ khiến ấm nhanh chóng bị đóng cặn sau một thời gian sử dụng. Lâu ngày không được vệ sinh sẽ tạo nên một lớp cặn dày, mang theo nhiều vi khuẩn, chất bẩn độc hại.
Dưới đây là một vài sai lầm khi dùng ấm siêu tốc mà đa số nhiều gia đình thường hay mắc phải, cần sửa ngay càng sớm càng tốt.
1. Cầm ấm siêu tốc khi tay đang ướt
Ấm siêu tốc là một thiết bị điện nên hoàn toàn có thể gây giật điện khi bạn cầm lúc tay đang ướt. Thế nên, hãy nhớ lau khô tay và rút phích cắm trước khi chạm vào ấm siêu tốc để tránh mất mạng bạn nhé. Ngoài ra, bạn cũng không nên đặt ấm siêu tốc gần những ổ điện cạnh bồn nước như trong nhà tắm, khu vực rửa bát, sàn nhà...
2. Đổ quá nhiều nước vào ấm khi đun
Trên mỗi chiếc ấm siêu tốc đều có vạch chỉ "min-max" để đo lường mực nước phù hợp khi bạn đổ nước đun. Nếu bạn đổ nước dưới vạch min (nhỏ nhất) thì nước sẽ rất nhanh tạo ra cặn ở đáy ấm. Còn nếu đổ nước trên vạch max (nhiều nhất) lại dễ làm trào nước khi đun sôi. Điều này có thể gây chập điện và mang đến nhiều nguy hiểm cho tính mạng người sử dụng.
3. Đổ cạn nước trong ấm ngay sau khi sôi
Khi nước đã đun sôi, nhiều người thường đổ cạn hết lượng nước bên trong ấm ra sử dụng. Tuy nhiên, việc làm này rất sai lầm do mâm nhiệt bên trong ấm vẫn còn sinh nhiệt dù công tắc điện đã ngắt. Nước chắt cạn ấm sẽ khiến mâm nhiệt nhanh hỏng. Vì vậy, bạn nên căn để lại khoảng 20ml nước sôi bên trong ấm và chờ tới khi nào ấm nguội hẳn mới chắt hết nước ra nhé!
4. Đun nước liên tục
Rất nhiều gia đình thậm chí còn sử dụng ấm siêu tốc để đun nước tắm nên cứ sôi là đổ sẵn ra chậu rồi lại cắm máy đun tiếp. Việc làm này chẳng những không có lợi mà còn khiến mâm nhiệt của ấm liên tục ở trạng thái nóng, dễ gây chập, cháy nổ.
Hãy nhớ rằng, giữa mỗi lần đun thì bạn nên để ấm nghỉ khoảng 5 - 10 phút để tản bớt nhiệt rồi mới tiếp tục sử dụng.
5. Không đậy kín nắp khi đun nước
Việc không đậy kín nắp khi sử dụng ấm siêu tốc có thể gây lãng phí điện và dễ làm nước trào ra ngoài khi sử dụng. Thậm chí, nếu không đậy kín nắp cũng sẽ làm một lượng nhiệt lớn bị thoát ra ngoài, từ đó khiến quá trình làm nóng nước lâu hơn, gây tốn điện cho gia đình.
*Lưu ý khi lựa chọn ấm siêu tốc: Nếu bạn muốn mua bình siêu tốc từ thép không gỉ thì nên chọn loại nhìn vào có độ mờ, tránh loại bóng bẩy có thể soi gương được. Ruột bình làm bằng thép không gỉ và có độ trơn, nhẵn sẽ làm tăng tốc độ sôi của nước.
Nguồn: Aboluowang, Sohu