PGS.TS Trần Như Dương nhận định gì về tình hình dịch ở Bắc Ninh?

Bắc Ninh đang là điểm nóng về dịch của cả nước khi tỉnh này chỉ trong vòng chưa đầy hai tuần đã ghi nhận 46 ca mắc trong cộng đồng. Đặc biệt “ổ dịch” Thuận Thành chiếm 37 ca. Nhiều người lo ngại về tình hình dịch tại đây.

PGS.TS Trần Như Dương – Phó Viện trưởng viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương- người đã từng “lăn” qua các ổ dịch phức tạp như Sơn Lôi, Đà Nẵng, Hải Dương nói gì về tình hình dịch tại địa phương.

Theo PGS.Dương, hiện nay, dịch ở Bắc Ninh là dịch có nguồn lây rõ ràng, đến bây giờ các ca bệnh vẫn theo dấu nguồn lây từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 trở về. Do đó, hướng đi cho công tác phòng chống dịch ở Bắc Ninh sẽ theo dấu vết này.

Thông thường, chúng ta thấy nhiều ca mắc bệnh thì sợ, nhưng ca mà rõ nguồn lây, rõ ổ dịch thì lại không phải là vấn đề và đây chính là điều quan trọng trong chống dịch của Bắc Ninh. Vì thế, Bắc Ninh phải tranh thủ cơ hội này từng giờ từng phút truy vết nguồn gốc.

“Chậm trễ truy vết sẽ để lại hậu quả rất lớn. Bắc Ninh đã có phản ứng mau lẹ, nên chúng ta mới xác định được “địch” ở chỗ nào. Đánh đúng trọng tâm, trọng điểm”, PGS. Dương nhận đinh.

Chuyên gia dịch tễ  cũng chia sẻ, phương châm chống dịch là thần tốc truy vết, thần tốc cách ly, thần tốc khoanh vùng và xét nghiệm.

PGS.TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương 

Thời gian tới, khả năng cao Bắc Ninh vẫn tiếp tục còn ca bệnh vì dịch vẫn đang phát triển. Tuy nhiên, điều này không nên hoang mang vì nó nằm trong quy luật phát triển của vi rút và chúng ta đã nắm được quy luật này.

Còn về ổ dịch tại huyện Thuận Thành, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ cho hay, địa phương này nhiều ca bệnh nhưng cũng đều có liên quan đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cơ sở 2. Chúng ta cần cẩn trọng cảnh giác cao độ, phân tích nhận định tình hình phải bình tĩnh. Tuy ca mắc cao nhưng hiện tại Bắc Ninh đang làm chủ được dịch.

Do đó, để chống dịch ở Bắc Ninh theo PGS. Dương: các huyện thị trên địa bàn kích hoạt cao nhất, cảnh giác cao nhất đến tận thôn làng, người dân.

Từ kinh nghiệm Đà Nẵng, Hải Dương thấy rằng công tác truy vết muốn nhanh và thần tốc cần cả công an vào cuộc. Bằng nghiệp vụ của công an lại được tập huấn về nghiệp vụ y tế thì sẽ làm rất nhanh việc này. Tập huấn về công tác y tế đối truy vết cũng rất nhanh. 

“Hải Dương thành công là nhờ lực lượng công an truy vết. Y tế truy vết rất khó khăn vì nhiều người họ còn không khai báo, nhưng công an vào 1 ngày là xong”, người kinh qua các ổ dịch nói.

“Còn về vấn đề tại sao phải thần tốc xét nghiệm với F1, bởi F1 phải có kết quả sớm nhất để giải phóng F2. F1 phải xét nghiệm mẫu đơn không thể làm mẫu gộp. Xét nghiệm diện rộng là quan trọng vì các ca bệnh không có triệu chứng, xét nghiệm diện rộng là chìa khoá để chống dịch”, PGS. Dương nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Như Dương nhận định gì về tình hình dịch ở Bắc Ninh? - 3

Cán bộ CDC Bắc Ninh lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 

Một vấn đề nữa, PGS Dương cũng chỉ ra, khi thực hiện phong toả phải đạt được 2 mục tiêu là khoá chặt ổ dịch nội bất xuất ngoại bất nhập để không cho nguồn lây ra ngoài. Thứ 2 là bên trong ổ dịch đó phải dập dịch triệt để triệt tiêu nguồn dịch. Muốn dập dịch triệt để nguyên tắc nhà cách ly với nhà, người với người. Khi nào mà “đường xá vắng tanh, cửa đóng im ỉm chó gà ngơ ngác” đó là chống dịch”. 

Để làm được điều này, phải tăng cường kiểm tra, giám sát tuyên truyền, thậm chí là xử phạt. Phải coi như trong thời chiến. Kinh nghiệm xương máu từ chiến trường Hải Dương cho thấy phải xử phạt thật nghiêm.

Bắc Ninh chuẩn bị năng lực xét nghiệm, phải có đội quân lấy mẫu bệnh phẩm, phải tập huấn kỹ cho đội quân này. Có như vậy mới đáp ứng được việc lấy mẫu xét nghiệm.

Người sáng lập ra tổ COVID cộng đồng cũng chia sẻ, phải thành lập tổ COVID cộng động, bởi chỉ có dân tại địa phương đó họ mới lo cho cộng đồng làng xã. Nếu không làm được thì chống dịch không có nền tảng, phải coi cuộc chiến chống dịch là cuộc chiến tranh nhân dân.