Phát hiện tác dụng lạ của cà phê lên người nghiện rượu

Các nhà khoa học Mỹ cà Ý phát hiện caffeine trong cà phê ảnh hưởng đến cách mà rượu tác động lên não bộ.

Một nghiên cứu vừa được đăng tải trên tạp chí khoa học Translational Psychiatry chỉ ra rằng caffeine - hợp chất phổ biến trong cà phê và các thức uống phổ biến khác như trà, ca cao - có tiềm năng chống lại chứng nghiện rượu.

Thí nghiệm trên chuột của nhóm tác giả dẫn đầu bởi TS Riccardo Maccioni từ Viện nghiên cứu Scripps (Mỹ) đã xác định caffeine có tác động đáng kể đến con đường dopamine mesolimbic, một phần quan trọng trong hệ thống "khen thưởng" của não, nơi giải phóng dopamine.

Con đường này cũng có liên quan đến một số cơ chế củng cố não bộ khiến những người mắc chứng rối loạn sử dụng rượu tiếp tục quay lại để uống nhiều hơn, theo Science Alert.

Caffeine trong cà phê có tiềm năng giúp chống lại chứng nghiện rượu - Minh họa AI: ANH THƯ

Caffeine trong cà phê có tiềm năng giúp chống lại chứng nghiện rượu - Minh họa AI: ANH THƯ

Cảm giác muốn uống rượu, muốn được say lần nữa liên quan mạnh mẽ đến dopamine - còn được gọi là "hormone hạnh phúc" - vốn đem đến cảm giác thỏa mãn, sung sướng nếu được tiết ra nhiều.

Nhưng đối với các con chuột được bổ sung caffeine, hoạt động tiết ra dopamine do thưởng thức rượu có phần bị kìm hãm.

Phân tích sâu hơn cho thấy caffeine ngăn chặn quá trình chuyển đổi rượu thành salsolinol, chất hóa học kích hoạt giải phóng dopamine.

Điều đó sẽ làm cho việc uống rượu trở nên kém thú vị hơn và làm giảm ham muốn tiếp tục uống rượu.

Ngoài ra, caffeine cũng có vẻ can thiệp trực tiếp vào cách não bộ nhận dạng và phản ứng với cả salsolinol và morphine .

Morphine tất nhiên cũng gây nghiện và các nhà nghiên cứu cho rằng điều này khiến caffeine trở thành một lựa chọn đầy hứa hẹn để phòng ngừa nghiện nói chung, chứ không riêng gì nghiện rượu.

Một điểm thú vị khác của nghiên cứu là "thần dược" tiềm năng nói trên có trong cà phê, một trong những loại đồ uống phổ biến nhất thế giới và được nhiều người tiêu thụ hàng ngày, đã được chứng minh là tốt cho sức khỏe theo nhiều mặt.

Các bước nghiên cứu tiếp theo sẽ bao gồm thử nghiệm lâm sàng trên người. Nếu kết quả được xác nhận, các nhà khoa học cũng sẽ cần xem xét về cách thức, liều lượng mà caffeine nên được đưa vào cơ thể người nghiện rượu để mang lại hiệu quả tốt nhất.