Tiểu Phương 27 tuổi sống ở Thiểm Tây, Trung Quốc là một nữ nhân viên văn phòng. Cô có một người bạn trai là bạn thanh mai trúc mã từ nhỏ. Tuy nhiên sau đó, bạn trai ra nước ngoài học thêm, 2 người đã chia tay mối quan hệ 10 năm. Sau khi chia tay, Tiểu Phương rất thất vọng, cô thường xuyên thay đổi bạn trai, mong được thoải mái tâm lý.
Cô gái trẻ mắc ung thư cổ tử cung vì quan hệ bừa bãi. (Ảnh minh họa)
Trong vài năm qua, Tiểu Phương đã quan hệ với nhiều người đàn ông, cô ấy bị bệnh lậu và bệnh tiểu đường, đồng thời còn mắc các bệnh phụ khoa như viêm âm đạo và nhiễm trùng hệ tiết niệu, tuy nhiên cô ấy chưa bao giờ để ý đến nó.
Trong đợt khám sức khỏe của công ty vào tháng 9/2020 tại Bệnh viện Nhân dân Thiểm Tây, sau khi khám phụ khoa, Tiểu Phương được thông báo rằng cô bị tổn thương nghiêm trọng ở cổ tử cung, sau khi soi cổ tử cung và sinh thiết mô, cô được chẩn đoán mắc ung thư biểu mô cổ tử cung tại chỗ. Cô buộc phải phẫu thuật cắt bỏ cổ tử cung và mất đi khả năng sinh sản vĩnh viễn.
Ung thư cổ tử cung - kẻ giết hại sức khỏe của phụ nữ
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính đến năm 2030, số ca tử vong do ung thư cổ tử cung dự kiến sẽ tăng lên 443.000 người trên toàn cầu và trở thành loại ung thư nguy hiểm, cao thứ 2 sau ung thư vú.
Theo bác sĩ Kiều Hữu Lâm, Giám đốc Viện Ung thư Bệnh viện Ung thư thuộc Đại học Y Liên hiệp Bắc Kinh, Trung Quốc cho biết, tỉ lệ phụ nữ bị ung thư cổ tử cung ngày càng trẻ hóa, các nghiên cứu đã xác nhận rằng việc nhiễm HPV nguy cơ cao dai dẳng có liên quan mật thiết đến sự xuất hiện của ung thư cổ tử cung. Có 14 loại HPV nguy cơ cao, đó là HPV 16, 18, 31, 33, 35, 39, 45, 51, 52, 56, 58, 59, 68 và 73.
Bên cạnh Human Papillomavirus (HPV), một số yếu tố nguy cơ khác có thể tăng khả năng mắc bệnh ung thư cổ tử cung bao gồm:
- Hút thuốc lá: phụ nữ hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung tăng gấp đôi so với những phụ nữ không hút thuốc. Các chất độc hại có trong thuốc lá đã được chứng minh là nguyên nhân gây nhiều loại ung thư khác nhau, trong đó có ung thư cổ tử cung.
- Quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục với nhiều người, quan hệ tình dục không an toàn.
- Sinh đẻ nhiều lần (có trên 5 đứa con).
- Sinh con khi còn quá trẻ (< 17 tuổi).
- Vệ sinh sinh dục không đúng cách.
- Viêm cổ tử cung mãn tính.
- Suy giảm miễn dịch: trên cơ thể suy giảm miễn dịch, nguy cơ nhiễm HPV nguy cơ cao tăng lên, dẫn tới tăng khả năng bị ung thư cổ tử cung.
- Sử dụng thuốc tránh thai đường uống kéo dài trên 5 năm.
Phụ nữ dễ bị nhiễm HPV
Nhiều phụ nữ cảm thấy rằng vi rút HPV dường như đang ở rất xa với họ, thực tế thì việc nhiễm vi rút HPV ở phụ nữ cũng rất dễ xảy ra. Theo thống kê 60% đến 70% phụ nữ trên thế giới từng bị nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời và có thể bị nhiễm nhiều lần. Ở những phụ nữ đang trong thời gian quan hệ tình dục, xác suất này có thể cao tới 80%.
Ngoài ra, giới trẻ hiện nay có lịch trình sinh hoạt không đều đặn, không chú ý đến chế độ ăn uống, thường xuyên thức khuya, không tập thể dục khiến hệ miễn dịch ngày càng yếu và dễ bị virus tấn công.
Phòng ngừa ung thư cổ tử cung
Trước tình hình gia tăng số lượng bệnh nhân ung thư cổ tử cung trên toàn thế giới, WHO đã ban hành “Chiến lược toàn cầu để đẩy nhanh loại trừ ung thư cổ tử cung”, được 194 quốc gia tham gia. Mục tiêu của kế hoạch là đến năm 2030, 90% trẻ em gái trên thế giới sẽ hoàn thành việc tiêm phòng HPV trước 15 tuổi, 70% phụ nữ được sàng lọc bằng các phương pháp xét nghiệm hiệu quả cao trước 35 và 45 tuổi và 90% phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh cổ tử cung được điều trị tốt.
Hiện nay, cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả nhất là tiêm vắc xin HPV. Vì phần lớn các ca ung thư cổ tử cung là do vi rút u nhú ở người (HPV) gây ra, vai trò của vắc xin có thể ngăn ngừa trước các bệnh nhiễm vi rút nguy cơ cao. Đối với những phụ nữ đã có quan hệ tình dục, tác dụng của vắc-xin HPV sẽ giảm dần khi họ già đi, những phụ nữ này cũng cần khám tế bào cổ tử cung thường xuyên.
Phương pháp phòng ngừa thứ hai là kiểm tra thường xuyên. Soi tế bào cổ tử cung vẫn là phương pháp phòng và điều trị ung thư cổ tử cung hiệu quả, những người có nguy cơ cao mắc ung thư cổ tử cung nên khám phụ khoa định kỳ để kiểm soát sự phát triển của bệnh ở giai đoạn tổn thương tiền ung thư.
Những phương pháp giúp tầm soát ung thư cổ tử cung
Tầm soát phòng ngừa ung thư cổ tử cung hiện nay thường bao gồm ba giai đoạn.
- Đầu tiên là kiểm tra TCT và HPV, nói chung, phụ nữ có quan hệ tình dục trên 1 năm và từ 21 đến 65 tuổi cần kiểm tra TCT và HPV 2-5 năm một lần, nếu phát hiện bất thường trong lần kiểm tra này, bước tiếp theo là bắt buộc.
- Bước thứ hai là soi cổ tử cung. Dùng máy soi cổ tử cung để phóng đại biểu mô cổ tử cung dưới nguồn sáng mạnh, sau đó quan sát những tổn thương nhỏ li ti mà mắt thường không nhìn thấy được.
- Bước cuối cùng là kiểm tra mô bệnh học. Nếu phát hiện bộ phận nghi ngờ dưới soi cổ tử cung thì cần phải sinh thiết cổ tử cung để xác định có phải là ung thư cổ tử cung hay không. Vì vậy, xét nghiệm mô bệnh học là tiêu chí cuối cùng để chẩn đoán ung thư cổ tử cung.
Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh lý ác tính phụ khoa phổ biến nhất, với tỷ lệ mắc chỉ đứng sau ung thư vú và tỷ lệ mắc cao thứ hai ở phụ nữ. Tuy nhiên, qua thăm khám phụ khoa có thể tìm ra các dấu hiệu của tổn thương tiền ung thư cổ tử cung, điều trị can thiệp các tổn thương tiền ung thư có tỷ lệ chữa khỏi rất cao. Vì vậy, việc tầm soát ung thư cổ tử cung, chẩn đoán và điều trị sớm có ý nghĩa rất lớn, khuyến cáo chị em nên thường xuyên tầm soát ung thư cổ tử cung, tiêm vắc xin ngừa HPV nếu có điều kiện.