Sản phụ 9X tử vong sau sinh tại BV Việt Pháp: Chuyên gia đầu ngành về sản khoa nói gì?

Các chuyên gia nhận định: Băng huyết nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ rơi vào suy hô hấp, suy tim, ngừng tim, thiếu oxy…gây suy đa phủ tạng.

Liên quan đến sự việc sản phụ tử vong sau sinh tại BV Việt Pháp Hà Nội, theo trả lời của BV Việt Pháp, nguyên nhân có thể do rối loạn đông máu.

Những biến chứng xảy ra rất khó lường, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ tử vong

Về trường hợp này, nhiều chuyên gia nghĩ đến nguyên nhân tử vong do băng huyết, là tai biến sản khoa thường gặp nhất.

GS.TS Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên GĐ Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, mất máu (băng huyết) sau sinh là 1 trong 5 tai biến thường gặp nhất trong sản khoa bên cạnh tiền sản giật, nhiễm trùng hậu sản, tắc mạch ối, vỡ tử cung. Sản phụ này bị mất máu quá nhiều.

Sản phụ 9X tử vong sau sinh tại BV Việt Pháp: Chuyên gia đầu ngành về sản khoa nói gì? - 1

BV Việt Pháp Hà Nội, nơi xảy ra sự việc.

“Trong sản khoa, những biến chứng xảy ra rất khó lường, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ tử vong”, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực sản khoa nói.

PGS.TS Phạm Bá Nha, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng cho rằng, chảy máu sau sinh có thể xảy ra ồ ạt hoặc từ từ. Do đó, nhân viên y tế phải theo dõi rất sát sản phụ sau sinh. Nếu xuất huyết ồ ạt không được phát hiện, sản phụ có thể tử vong do tụt huyết áp dẫn tới ngừng tim. Nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ rơi vào suy hô hấp, suy tim, ngừng tim, thiếu oxy các phủ tạng như thận, não, gan… gây suy đa phủ tạng.

Theo PGS Nha, băng huyết chính là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở sản phụ. Tại Việt Nam, tỷ lệ bị băng huyết khi sinh chiếm 3-8% tính chung các tuyến. Riêng tại Bệnh viện Bạch Mai, tỷ lệ này khoảng 1% trên tổng số hơn 7.000 ca đỡ đẻ mỗi năm.

Băng huyết sau sinh có nhiều nguyên nhân, trong đó đờ tử cung chiếm tới 80%, ngoài ra do tổn thương sinh dục, rối loạn đông máu… Chỉ khi xác định chính xác căn nguyên mới có thể điều trị triệt để. Băng huyết do rối loạn đông máu cũng có thể do bệnh lý nền như mắc bệnh máu khó đông Hemophilia, điều trị thuốc kháng đông… hoặc rối loạn do bị chảy máu quá nhiều.

“Nguyên tắc ở đây là xử lý nhanh, tránh để bệnh nhân tụt huyết áp và chú ý bù máu đủ. Nếu bệnh nhân qua cơn nguy kịch, gần như hồi phục hoàn toàn. Trường hợp cấp cứu muộn, bệnh nhân sẽ tử vong hoặc sống thực vật”, PGS Nha phân tích.

Băng huyết sau đẻ luôn rình rập với các bà mẹ

Đồng quan điểm, bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp Hà Nội cho biết, trong trường hợp này thì nguyên nhân tử vong có thể do băng huyết.

Băng huyết hay chảy máu sau đẻ không phải là hiếm gặp, là một trong 5 tai biến sản khoa thường gặp nhất, việc khắc phục không phải dễ. Băng huyết sau đẻ luôn rình rập với các bà mẹ.

BS Dung phân tích, nhiều người thường nghĩ sinh mổ mới có thể bị băng huyết, tuy nhiên thực tế băng huyết sau đẻ thường cũng có.

Về nguyên tắc, tử cung có thể lớn lên đến 50 lần từ lúc bình thường đến lúc thai to nhất. Điều đó có nghĩa chỉ cần tử cung giãn ra mà không co lại thì có thể hình dung như ống thoát nước mở nắp ra dẫn đến tình trạng mất máu, sốc mất máu và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Theo BS Dung, chỉ xơ sảy một chút là tai biến này có thể xảy ra. Cũng vì thế, việc yêu cầu phải theo dõi chặt, liên tục sản phụ 2 tiếng đầu tiên sau đẻ không phải là vô nghĩa.

“Nhân viên y tế sẽ phải theo dõi lượng máu âm đạo chảy ra, theo dõi khối cầu an toàn…, tử cung phải co lại thì mới "bịt" được máu chảy, nếu không co lại được thì không cầm máu được”, BS Dung lưu ý.

Cũng theo BS Dung, việc chảy máu sau đẻ không gây đau, máu lặng lẽ chảy, trong khi đó sản phụ khi vừa sinh xong, mệt nằm thiếp đi sẽ không thể cảm nhận, nhận biết được tình trạng này. Vì thế, vấn đề là nữ hộ sinh, bác sĩ phải theo dõi sát cầu an toàn và lượng máu âm đạo chảy ra. Nếu phát hiện bất thường lập tức có biện pháp xử lý cho thuốc tăng co, kiểm tra xem có bị sót rau, có bị rách đường âm đạo, có bị đờ tử cung…

“Nếu bắt kịp thời gian chảy máu, xử lý ngay tức thì thì có thể cứu được bệnh nhân. Mất máu nhiều, không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến rối loạn đông máu, sốc mất mất máu… ”, BS Dung nói.