Ở tập cuối chương trình Chị Em Chúng Mình, Hari Won đã khiến người hâm mộ không thể nén nổi những giọt nước mắt khi nhắc lại câu chuyện cô từng 2 lần phải đi phẫu thuật vì căn bệnh ung thư cổ tử cung. Đây cũng chính là nguyên nhân lý giải vì sao đến thời điểm hiện tại, cặp vợ chồng Trấn Thành - Hari Won chưa thể có con.
Hari Won cho biết, cô luôn khao khát chuyện có con nhưng sau khi mổ 2 lần thì đến hiện tại, cô vẫn còn viêm chứ chưa thể cắt bỏ hoàn toàn. Cổ tử cung của "bà xã Trấn Thành" bây giờ bị ngắn quá. Nếu bệnh còn tái phát thì khả năng bị... vô sinh là rất cao.
Cũng trong tập phát sóng này, người hâm mộ lại càng nghẹn ngào hơn trước chia sẻ của nữ diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc. Cô tiết lộ bản thân từng mắc bệnh ung thư cổ tử cung ở giai đoạn đầu. Lan Ngọc trải lòng: "Bản thân Ngọc cũng bị nhưng mà tôi may mắn hơn vì tôi bước vào giai đoạn đầu. Cái chuyện này xảy ra cũng do sự ỷ y từ chính bản thân mình. Khi biết thông tin mình bị bệnh, tôi hoang mang lắm. Bác sĩ từng nói rằng, nếu chỉ chậm một ngày nữa thôi, tôi sẽ phải cắt bỏ buồng trứng của mình".
Từ chia sẻ đầy đau thương của 2 nữ nghệ sĩ Việt, có thể thấy bệnh ung thư cổ tử cung không còn là một căn bệnh hiếm gặp mà thực tế nó đang ngày càng tăng cao trong một vài năm trở lại đây. Đã có rất nhiều nghiên cứu trên thế giới nói về nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung và căn bệnh này cũng được xếp vào một trong những nhóm ung thư đang gia tăng chóng mặt. Các nhà nghiên cứu cũng đã xác định được một số yếu tố nhất định làm tăng khả năng chuyển tế bào bình thường ở cổ tử cung thành bất thường hay ung thư.
Một tình trạng cần được cảnh báo đó là khi còn trẻ hầu như chúng ta đều nghĩ thanh xuân là mãi mãi nên rất chủ quan tới việc kiểm tra sức khoẻ định kỳ. Đó cũng là một phần nguyên nhân khiến bệnh ung thư cổ tử cung và nhiều bệnh ung thư khác có nguy cơ nhen nhóm và phát triển trong cơ thể suốt thời gian dài.
Còn một nguyên nhân nữa là vì tâm lý lo sợ đi khám bệnh sẽ lòi bệnh ra. Thực tế thì có rất nhiều người thuộc nhóm sợ đi khám, nhưng chỉ cần tìm ra bệnh sớm thì tỷ lệ cứu chữa đã được tăng lên vài phần trăm. Do đó, ngay từ bây giờ, các cô gái nên sắp xếp một buổi khám sức khỏe tổng quát để nhận biết mọi rủi ro mà mình có nguy cơ gặp phải.
Tại sao cần đi sàng lọc để phát triển nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung từ sớm?
Virus gây u nhú HPV (Human Papillomavirus) là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến bệnh ung thư cổ tử cung. Có tới 95 - 97% nữ giới mắc bệnh là do nhiễm HPV. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh này gồm có: quan hệ tình dục sớm, quan hệ với nhiều bạn tình, mắc bệnh viêm nhiễm kéo dài...
Việc sàng lọc, phát hiện ung thư cổ tử cung ở giai đoạn đầu giúp tăng tỷ lệ điều trị khỏi lên đến 80 - 90%. Tỷ lệ chữa khỏi giảm xuống 75% khi bệnh tiến triển đến giai đoạn 2. Còn ở giai đoạn 3 sẽ chỉ còn 30 - 40%. Giai đoạn 4 giảm tiếp dưới 15%. Tất cả mọi lứa tuổi nữ giới đều có nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung khi bắt đầu có quan hệ tình dục. Dù vậy, ở giai đoạn sớm thì bệnh lại không có triệu chứng cụ thể nên chị em phụ nữ thường chủ quan bỏ qua, không mấy để tâm đến bệnh.
Do đó, bạn nên bắt đầu đi sàng lọc bệnh ung thư cổ tử cung sau 2 năm kể từ khi có quan hệ tình dục và thời điểm tốt nhất để thực hiện khám sàng lọc là 2 tuần sau ngày đầu tiên có chu kỳ kinh nguyệt. Khoảng cách thời gian giữa các lần sàng lọc sẽ tùy theo sự tư vấn và kết quả xét nghiệm mà bác sĩ kiểm tra được, thông thường sẽ khoảng 3 tháng/ lần.
Có những triệu chứng nào giúp nhận biết sớm nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung hay không?
- Đau vùng xương chậu.
- Đi tiểu không kiểm soát.
- Giảm cân đột ngột.
- Vùng kín chảy máu bất thường.
- Vùng âm đạo tiết dịch màu trắng.
- Chu kỳ kinh nguyệt thay đổi thất thường.
- Đau rát sau khi quan hệ.
Một vài thói quen trong cuộc sống hàng ngày có thể gây ung thư cổ tử cung:
- Làm việc quá sức.
- Thức khuya.
- Ăn uống thiếu chất.
- Hút thuốc lá.
- Không vệ sinh vùng kín sạch sẽ.
- Lười khám phụ khoa.
- Quan hệ tình dục không an toàn.
Phòng tránh ung thư cổ tử cung bằng cách nào?
Hiện tại, ung thư cổ tử cung chưa có thuốc đặc trị, việc phòng ngừa đơn giản và hiệu quả nhất chính là tiêm vaccine ngăn ngừa virus HPV. Ở Việt Nam, Bộ Y tế đã cấp phép sử dụng loại vaccine này vào năm 2008.
Vaccine ngừa virus HPV được khuyến cáo tiêm cho nữ giới ở độ tuổi từ 9 - 26, trong đó thời điểm tốt nhất là khoảng 11 - 12 tuổi, bất kể đã quan hệ tình dục hay chưa. Tuy nhiên, vaccine sẽ đạt hiệu quả cao nhất khi tiêm trước lần quan hệ tình dục đầu tiên.
Nguồn: Women's Health, Cancer, The Health Site. Ảnh: Cắt từ clip chương trình