Ngày 2/7, TS.BS Phan Chí Thành, Khoa khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết sản phụ nhập viện vào ngày thứ ba chuyển dạ, sốt cao, rét run. Trước đó, ngày đầu chị đau bụng âm ỉ, ra dịch hồng, ngày thứ hai xuất hiện cơn gò, vỡ ối nhưng chồng vẫn cho nằm ở nhà, dùng gối kê cao chờ đến ngày đẹp sinh con để mang lại may mắn, gia đình làm ăn phát đạt.
"Khi vào viện bệnh nhân đã bị nhiễm trùng, nhịp tim tăng cao, tử cung đau đớn, tiên lượng nguy kịch", bác sĩ Thành nói. Các bác sĩ hội chẩn quyết định mổ khẩn cấp cứu mẹ lẫn con. Em bé chào đời bị rối loạn nhịp thở, thở nhanh, nhiễm trùng sơ sinh, điều trị tại khoa Nhi. Sản phụ do nhiễm trùng và chịu nhiều đau đớn nên kiệt sức, phải theo dõi tích cực.
Theo bác sĩ Thành, ngày nay vẫn còn một số người hoãn đẻ để chờ ngày đẹp, nhất là ở vùng nông thôn. Họ cho rằng sinh con nên tránh những ngày "năm cùng tháng tận" do không may mắn, trẻ khó nuôi. Ngoài ra, chọn ngày giờ sinh giúp con ra đời khỏe mạnh, công thành, danh toại.
Tuy nhiên, ở góc độ khoa học, thai nhi phát triển trong bụng mẹ là cả quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng thông qua người mẹ. "Cùng ngày cùng giờ có hàng trăm trẻ chào đời, không thể tất cả bé đều có số phận giống nhau ", bác sĩ Thành lý giải, đồng thời khuyến cáo không nên quá mê tín khi chọn ngày giờ sinh con bởi "việc chọn ngày, chọn giờ không có ý nghĩa", ảnh hưởng sức khỏe mẹ và thai nhi.
Một số thai phụ có thể chọn ngày giờ sinh để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé trong trường hợp mang song thai, có vết mổ cũ, mắc các bệnh lý nguy hiểm. Thai phụ khỏe mạnh bình thường thì nên thuận tự nhiên, không mê tín chọn ngày giờ hay cố chờ để có ngày tốt sinh con dù có dấu hiệu chuyển dạ.