Theo nguồn từ Guardian, Công ty Emergex có trụ sở tại Oxfordshire (Anh) đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng loại vắc-xin ngừa COVID-19 mới. Loại vắc-xin này có hình thức miếng dán trên da và sử dụng tế bào T để nhanh chóng tiêu diệt các tế bào bị nhiễm bệnh ra khỏi cơ thể do đó ngăn chặn sự nhân lên của virus. Quá trình nghiên cứu cũng cho thấy, vắc-xin này có thể cung cấp khả năng miễn dịch lâu dài hơn so với các loại vắc-xin hiện nay.
Ở các loại vắc-xin COVID-19 hiện tại các kháng thể được tạo ra bám vào virus và ngăn chúng lây nhiễm sang các tế bào, thì ở loại vắc-xin mới này các tế bào T sẽ tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào bị nhiễm virus. Những loại vắc-xin khác như Pfizer/BioNTech và AstraZeneca cũng tạo ra phản ứng tế bào T nhưng ở mức độ thấp hơn.
Công ty Emergex đã được Cơ quan Quản lý Dược phẩm Thụy Sĩ “bật đèn xanh" để tiến hành các thử nghiệm ban đầu trên người ở Lausanne. Bắt đầu từ tháng 1/2022, 26 người tham gia thử nghiệm sẽ được sử dụng vắc-xin với liều lượng khác nhau. Dự kiến vào tháng 6/2022 sẽ có kết quả thử nghiệm ban đầu.
Miếng dán vắc-xin ngừa COVID-19 của Công ty Emergex. Ảnh: Latch Medical
“Đây là lần đầu tiên cơ quan quản lý chấp thuận đưa vắc-xin COVID-19 vào thử nghiệm lâm sàng với mục đích duy nhất là tạo ra phản ứng tế bào T trong trường hợp cơ thể không có phản ứng kháng thể. Những tế bào T sẽ tìm kiếm các tế bào bị nhiễm bệnh và tiêu diệt chúng”, VOV dẫn lời ông Robin Cohen - Giám đốc Thương mại của Công ty Emergex.
Ông Cohen cho biết thêm, các vắc-xin COVID-19 hiện nay chủ yếu tạo ra phản ứng kháng thể suy yếu dần theo thời gian, do đó cần tiêm vắc-xin mũi tăng cường để duy trì khả năng bảo vệ chống lại virus. Vắc-xin của Emergex hoạt động theo cách khác, bằng cách tiêu diệt các tế bào bị nhiễm bệnh một cách nhanh chóng. Điều này có nghĩa là nó có thể cung cấp khả năng miễn dịch lâu dài hơn, thậm chí lên tới hàng chục năm, đồng thời chống lại các đột biến virus tốt hơn.
Vắc-xin dạng mới sử dụng tế bào T để nhanh chóng tiêu diệt các tế bào bị nhiễm bệnh ra khỏi cơ thể. Ảnh minh họa
Theo ghi nhận, tính đến sáng 16/11, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu là 254.445.107 ca, trong đó có 5.120.359 người tử vong. Dịch bệnh đang tái bùng phát ở châu Âu khi số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước châu lục này. Châu Âu hiện chính là tâm dịch mới của thế giới.
Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới như: Mỹ, Anh, Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Anh là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 39.000 ca), trong khi số ca tử vong mới cao nhất thế giới xảy ra tại Nga (trên 1.200 ca).
Với tỷ lệ tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 tiếp tục tăng, nhiều nước trên thế giới đang lần lượt điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, chuyển từ “zero COVID-19” sang “sống chung với COVID-19”. Tuy nhiên, việc xuất hiện biến thể mới đang làm chậm quá trình “bình thường mới” ở một số nước.