Những ngày qua, một vài trận mưa lịch sử đã khiến mọi tuyến đường Hà Nội đều bị ngập úng, tắc nghẽn giao thông kéo dài hàng giờ đồng hồ. Tình hình mưa lớn kéo dài được nhận định ở Hà Nội cũng như nhiều tỉnh miền Bắc sẽ còn xuất hiện nhiều lần trong những ngày tới. Chính vì thế, ai ai cũng nên sẵn sàng với những phương pháp phòng bị. Bên cạnh đó, mưa lũ ngập lụt còn kéo theo một loạt bệnh dễ bùng phát, cảnh báo mọi người nên nắm rõ để phòng tránh.
Hà Nội ngập sâu trên diện rộng làm tăng nguy cơ mắc bệnh mùa mưa (Ảnh: TM)
Sau mưa ngập ở Hà Nội, 5 bệnh này rất dễ tìm đến bạn!
1. Bệnh về da
Nếu bạn phải ngâm chân hàng tiếng đồng hồ trong mưa ngập ở Hà Nội ngày hôm ấy thì hãy cẩn trọng với những chứng bệnh về da. Nước mưa dâng cao hòa trộn cùng đủ loại nước của thành phố, nhất là những nguồn nước ô nhiễm, làm tăng nguy cơ mắc bệnh về da.
Theo BS Vũ Văn Khang (chuyên khoa Da liễu, Nguyên giám đốc Bệnh viện Phong Hà Nam), bệnh về da luôn là bệnh dễ phát sinh nhất trong thời điểm này do ngập lụt khiến chân phải tiếp xúc trực tiếp với nguồn nước bẩn.
Các bệnh về da thường gặp vào mùa mưa lũ bao gồm nấm kẽ chân, nấm móng, viêm kẽ ngón tay, ngón chân mà dân gian thường gọi là "nước ăn chân"; mẩn ngứa; viêm da.
2. Đau mắt đỏ
Điều kiện vệ sinh kém, nguồn nước sạch không đảm bảo là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh đau mắt đỏ trong thời điểm này. Không chỉ trẻ con mà người lớn đều dễ mắc đau mắt đỏ, nhất là người dân sinh sống ở khu vực bị ô nhiễm.
Theo BS Đặng Văn Quế (Giám đốc Bệnh viện mắt DND), mưa lũ ngập lụt, cộng với thời tiết ẩm tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus sinh sôi và phát triển. Kèm theo đó, việc phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm bẩn đều làm tăng nguy cơ số người mắc bệnh đau mắt đỏ.
3. Bệnh đường tiêu hóa
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) nhận định, bệnh đường tiêu hóa hay gặp như tả, lỵ, thương hàn, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn do các loại vi khuẩn khác (E.coli, Campylobacter...) hoặc a-míp, Giardia. Nhóm các bệnh này thường dễ gây dịch với các triệu chứng cơ bản như đau bụng, mót rặn, tiêu chảy cấp.
Bệnh đường tiêu hóa hay gặp nhất trong và sau mưa lũ là bệnh tiêu chảy, nhất là tiêu chảy cấp tính. Bệnh tiêu chảy cấp tính có thể do nhiều loại vi khuẩn khác nhau gây nên nhưng đứng vị trí hàng đầu vẫn là vi khuẩn tả (Vibrio cholera).
Ở những vùng, miền xảy ra mưa lớn, lũ lụt, trong các nguồn nước có vi khuẩn tả thì cực kỳ nguy hiểm vì chúng có khả năng lây lan nhanh chóng. Bên cạnh tiêu chảy cấp do vi khuẩn tả thì bạn có thể bị tiêu chảy do vi khuẩn thương hàn (Salmonella), vi khuẩn lỵ (Shigella), vi khuẩn E.coli, Campylobacter... Tất cả đều liên quan đến vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm và nước dùng trong sinh hoạt ăn uống hàng ngày.
4. Sốt xuất huyết
Đây là căn bệnh rất dễ phát sinh vào mùa bão lũ. Nhất là khi tình hình dịch sốt xuất huyết vẫn đang tiếp diễn tại nhiều khu vực trên cả nước.
Nguyên nhân dẫn đến việc xuất hiện nhiều trường hợp bị sốt xuất huyết sau mưa ngập là do nguồn nước tù đọng, thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện cho muỗi và virus sinh sôi nảy nở gây bệnh.
5. Bệnh đường hô hấp
Những ngày mưa kéo dài rất dễ làm gia tăng các bệnh đường hô hấp. Đối tượng thường gặp là người cao tuổi, trẻ nhỏ, người có các bệnh mạn tính về đường hô hấp. Trong khi người có hệ miễn dịch tốt hơn cũng dễ bị viêm họng, cảm cúm.
Dấu hiệu mắc bệnh đường hô hấp sau những ngày mưa ngập là đau họng khi nuốt, sốt, rát cổ họng, ho do kích ứng ở đường hô hấp trên, sổ mũi, khàn tiếng. Ngoài ra, bạn có thể xuất hiện hiện tượng khó thở...
7 cách phòng tránh bệnh trong mùa mưa, nhất là những ngày mưa ngập lụt
- Thường xuyên rửa mặt, tắm nước ấm sạch sẽ ngay sau khi đi mưa về.
- Thường xuyên rửa tay với xà phòng.
- Sử dụng nước muối sinh lý để rửa mắt thường xuyên ngày 3 lần cho các thành viên trong gia đình.
- Thực hiện ăn chín uống sôi, trước khi ăn cần đảm bảo rửa tay thật sạch.
- Bảo quản thức ăn cẩn thận, tránh ruồi muỗi bâu vào...
- Diệt muỗi, diệt bọ gậy, lăng quăng và phòng chống muỗi đốt.
- Đậy kín các dụng cụ chứa nước như bể nước, chum, vại, lu; lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
- Bỏ muối hay nhỏ dầu hỏa vào bát kê chân chạn (tủ đựng chén bát), thường xuyên thay rửa lọ hoa. Phun hóa chất diệt muỗi xung quanh nơi ở...