Số ca mắc tay chân miệng trong cả nước tăng vọt, đã có hơn 10.000 ca

Số ca mắc tay chân miệng ghi nhận chủ yếu ở các cơ sở giáo dục mầm non, trong dó trên 90% trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh.

TS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 10.196 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, các tỉnh khu vực phía Nam ghi nhận trên 7.500 ca, chiếm 74,1% tổng số ca mắc tay chân miệng của cả nước. Miền Bắc ghi nhận trên 1.300 ca, miền Trung khoảng 1.000 ca; khu vực Tây Nguyên ghi nhận ít nhất với 200 ca mắc.

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Số ca mắc tay chân miệng ghi nhận chủ yếu ở các cơ sở giáo dục mầm non, trong đó trên 90% trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh, không ghi nhận ca tử vong.

Bệnh tay chân miệng đến nay vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hoá từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh, dẫn đến nguy cơ lây truyền bệnh khi trẻ sinh hoạt tập thể tại cơ sở giáo dục mầm non.

Cao điểm của bệnh tay chân miệng là từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 8 đến tháng 9 hằng năm. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie vi rút A16 và Enterovirus 71 (EV71). Do đó, Bộ Y tế dự báo, trong thời gian tới, có thể gia tăng ca mắc tay chân miệng.

Theo các chuyên gia, bệnh tay chân miệng có thời gian ủ bệnh thường từ 3-7 ngày. Khi mắc bệnh tay chân miệng, triệu chứng ban đầu ở trẻ có thể là sốt và thường kèm theo đau họng. Trẻ cảm giác khó chịu và xuất hiện tình trạng biếng ăn.

Khoảng 1 hoặc 2 ngày sau khi khởi phát sốt, vết loét và mụn nước sẽ xuất hiện trong miệng, họng, lưỡi, bên trong má khiến bé đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, chảy dãi, quấy khóc. Tiếp theo đó, phát ban dạng phỏng nước sẽ xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và đôi khi ở mông.

Bệnh tay chân miệng nếu nhẹ thì chỉ gây sốt trong vài ngày, các dấu hiệu và triệu chứng cũng sẽ cải thiện dần theo thời gian. Tuy nhiên, nếu bé không được điều trị kịp thời, hoặc bé mắc tay chân miệng do virus Enterovirus 71 thì sẽ tiềm ẩn nhiều biến chứng nặng như: Biến chứng thần kinh (viêm não, viêm màng não), biến chứng tim mạch, hô hấp (viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch) có thể dẫn đến tử vong…

Chính vì vậy, cha mẹ không nên chủ quan mà cần sớm nhận biết các dấu hiệu của bệnh, đưa con đi khám để xác định đúng chủng virus gây tay chân miệng, từ đó có phương pháp điều trị đúng đắn, kịp thời cho trẻ, tránh những biến chứng đáng tiếc.