Sự hồi phục kỳ diệu của F0 từng hỏi "bao giờ em chết" và lời hẹn "mời bác sĩ đi nhậu khi xuất viện"

"Bao giờ thì em chết? Nhà em nghèo lắm, em xin phép không được tiếp tục điều trị nữa" - mảnh giấy nhỏ anh Nguyễn Khắc Bình từng viết gửi bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai điều trị COVID-19 cho mình có đoạn như thế....

Anh Bình (36 tuổi) nhập viện hôm 12/8, được chuyển vào đơn vị Hồi sức 2, Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai (ở TP HCM). Khi ấy, anh đã trong tình trạng suy hô hấp, phải thở máy hỗ trợ oxy dòng cao (HFNC). Nhưng ngay sau đó tình trạng suy hô hấp của người đàn ông này nhanh chóng tiến triển nặng lên.

Bác sĩ phát hiện anh mất dần ý thức, đi vào hôn mê khi đi buồng kiểm tra bệnh nhân. Nhân viên y tế lập tức bóp bóng hỗ trợ nhưng lượng oxy của bệnh nhân chỉ cải thiện hơn một chút. 

Trong buồng bệnh xung quanh anh Bình, thỉnh thoảng lại có người  xấu số không qua khỏi đại dịch. Chứng kiến cảnh tượng đau lòng, từng có lúc, anh thều thào khẩn khoản: "Bác sĩ đừng đặt ống nội khí quản cho em nữa!". Nhưng các bác sĩ quyết định đặt ống nội khí quản rồi cho anh thở máy. Bởi chỉ có thế mới hi vọng cứu được mạng sống của người đàn ông này.

Gần 1 tháng chiến đấu với bệnh tật, anh Bình trải qua những lúc tưởng chừng không thể cứu nổi. Có lúc lượng oxy trong máu (SpO2) tụt rất sâu, toan hô hấp nặng, rồi có lúc lại sốc nhiễm khuẩn… 

Anh Bình đã hồi phục thần kỳ sau hơn 1 tháng chiến đấu với COVID-19, trước đó, anh từng xin bác sĩ đừng đặt ống nội khí quản, xin được về nhà.... Ảnh: Thành Dương

Khi các thuốc an thần của bệnh nhân giảm, có hôm, anh Bình xin một mảnh giấy nhỏ, run rẩy dòng mực gửi bác sĩ. "Bao giờ thì em chết? Nhà em nghèo lắm, em xin phép không được tiếp tục điều trị nữa"...

"Việt Nam miễn phí điều trị COVID-19 nhé!", lời giải thích của bác sĩ như cởi trói tâm tư của người đàn ông vừa cưới vợ. 

Dần dà, tình trạng tổn thương phổi của anh Bình thuyên giảm. Bác sĩ đong đếm từng phần trăm oxy trên máy thở, rồi tiến tới cắt vận mạch, kháng sinh cho nam bệnh nhân này. Đến ngày 4/9, bệnh nhân đã được rút ống nội khí quản, chỉ cần hỗ trợ thở bằng oxy kính. 

Sự hồi phục kỳ diệu của F0 từng hỏi "bao giờ em chết" và lời hẹn "mời bác sĩ đi nhậu khi xuất viện" - 3

Đã có lúc nản chí, buông xuôi nhưng nhờ sự động viên của các y bác sĩ, anh Bình đã chiến thắng COVID-19 và sắp được trở về bên gia đình. Ảnh: Thành Dương

ThS. Hoàng Minh Hoàn - Điều dưỡng trưởng Trung tâm Hồi sức tích cực - người theo sát diễn biến của bệnh nhân Bình từ lúc chuẩn bị đặt ống, nhớ lại: Khi chuẩn bị rút ống nội khí quản, bệnh nhân rất sợ, hốt hoảng và thở rất là nhanh. Anh chị em y bác sĩ đều phải đứng bên cạnh động viên....

Hai tuần sau khi bệnh nhân được rút ống, các bác sĩ hội chẩn và đánh giá anh còn tình trạng xơ phổi, cần thêm thời gian để phục hồi chức năng hô hấp. Hôm qua, khi sức khỏe của anh đã ổn định, cơ lực đang phục hồi dần, bác sĩ cho phép anh được chuyển về tuyến dưới để tiếp tục tập phục hồi chức năng.

"Có những lúc bệnh nhân nản chí nhưng điều dưỡng, y bác sĩ thay nhau động viên để anh Bình ngồi lên, tập phục hồi chức năng. Anh Bình mới cưới vợ, còn chưa được hưởng niềm hạnh phúc làm cha, chúng tôi phải cố gắng để cho anh được trở về với gia đình" - ThS. Hoàng Minh Hoàn chia sẻ. Mới đây, khi sức khỏe ổn định hơn, anh Bình lại viết thư gửi bác sĩ, nhưng lần này, anh hẹn "bao giờ xuất viện sẽ mời bác sĩ đi nhậu".

Anh Bình là một trong nhiều bệnh nhân COVID-19 bị ảnh hưởng tâm thần khi điều trị. Theo khảo sát của Bệnh viện Hồi sức COVID-19, hơn 53% bệnh nhân bị rối loạn lo âu, 16,7% stress và 20% trầm cảm. Đặc biệt, những bệnh nhân từng thở HFNC, thở oxy qua mặt nạ, hoặc thở máy, tỷ lệ trầm cảm và rối loạn lo âu lên tới 66,7%. 

Các chuyên gia nhận thấy F0 thường bị rối loạn lo âu, hoảng loạn, trầm cảm, sợ tử vong, căng thẳng, mất ngủ trầm trọng, đau đầu kéo dài... Nhiều bệnh nhân thậm chí muốn từ bỏ điều trị, tự tháo oxy trợ thở, không thiết ăn uống, chỉ yêu cầu được trở về nhà...

Tại ICU Bạch Mai, có rất nhiều bệnh nhân với thể trạng nặng như anh Bình được hồi phục và cứu chữa kịp thời. Ngoài việc điều trị, tập thở, tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân, các y bác sĩ còn có nhiệm vụ như "nhà tâm lý" để hỗ trợ vực dậy tinh thần cho bệnh nhân.