Test nhanh tìm kháng thể, âm tính giả hoặc dương tính giả là điều dễ hiểu

Nếu người bệnh mới mắc COVID-19, cơ thể chưa sinh ra kháng thể hoặc cũng có thể có liên quan tới nồng độ virus trong máu.

  

Bộ Y tế ngày 6/8 công bố ca bệnh COVID-19 thứ 3 ở Hà Nội, đó là bệnh nhân thứ 714. Đáng nói, người đàn ông 42 tuổi trú tại Bắc Từ Liêm này trước đó gần 1 tuần đã xét nghiệm nhanh cho kết quả âm tính với kháng thể IgM/IgG, nhưng 5 ngày sau, kết quả xét nghiệm bằng phương pháp Realtime RT-PCR lại khẳng định dương tính.

Các chuyên gia y tế cho rằng, việc xét nghiệm nhanh chỉ có ý nghĩa sàng lọc, không có ý nghĩa chẩn đoán, khẳng định nhiễm virus gây COVID-19 hay không. Đồng thời, xét nghiệm nhanh tìm kháng thể IgM/IgG xảy ra âm tính "giả" hoặc dương tính "giả" là điều dễ hiểu. 

Lưu ý là, kháng thể chính là "chất" cơ thể sinh ra để chống lại virus sau khi bị chúng tác động.

Test nhanh tìm kháng thể, âm tính giả hoặc dương tính giả là điều dễ hiểu - 1

Ảnh minh hoạ

Theo BS Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, nếu người bệnh mới mắc COVID-19, cơ thể chưa sinh ra kháng thể hoặc cũng có thể có liên quan tới nồng độ virus trong máu. Do vậy, khi xét nghiệm nhanh ở thời điểm này có thể không tìm thấy kháng thể (cho ra kết quả âm tính). Trong khi xét nghiệm khẳng định bằng Realtime RT-PCR, mẫu bệnh phẩm được lấy từ vùng dịch hầu họng để tìm virus, độ nhạy và độ đặc hiệu sẽ cao hơn.

Cùng quan điểm này, BS Đồng Phú Khiêm - Phó khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương nhận định, không phải người nhiễm virus SARS-CoV-2 nào cũng sinh ra kháng thể, và kháng thể cũng không phải được tạo ra ngay sau khi bị nhiễm virus.

Nhiều nghiên cứu về COVID-19 cho thấy chỉ có 23% người nhiễm SARS-CoV-2 có kháng thể IgM sau 1 tuần bị nhiễm, 58% người mới có kháng thể sau 2 tuần; và 75% người bị nhiễm sau 3 tuần mới có kháng thể.

Theo một nghiên cứu về diễn biến của virus SARS-CoV2 và kháng thể sinh ra trong cơ thể người bệnh, virus có thể xuất hiện trong dịch mũi họng (xét nghiệm bằng Realtime RT-PCR) 1 tuần trước khi triệu chứng xuất hiện và kéo dài tới nhiều ngày sau, một số vẫn còn biểu hiện ít nhất dưới dạng “xác virus” kéo dài như chúng ta đã thấy. 

Test nhanh chỉ thấy kháng thể sớm nhất từ tuần thứ 2 sau khi tiếp xúc với người bệnh trước, khả năng test nhanh dương tính cao nhất là sau 2 -3 tuần. 

Điều này có nghĩa là, nếu ngày đầu tiên tiếp xúc người bệnh là thứ Hai tuần này, thì ít nhất, tới thứ Hai tuần sau, khi test nhanh mới có thể tìm ra kháng thể. Trong những ngày từ thứ Ba tới Chủ nhật đó, nếu thấy test nhanh âm tính, chớ vội mừng.

Vì thế test nhanh âm tính chỉ cơ bản yên tâm khi người dân đã về từ vùng dịch quá 14 ngày. Nếu kết quả xét nghiệm nhanh âm tính khi về từ vùng dịch chưa đủ 14 ngày thì người bệnh vẫn có thể vẫn có virus nhân lên trong cơ thể và tới 40% là không biểu hiện ra bên ngoài.

Do đó, Bộ Y tế yêu cầu tất cả những trường hợp test nhanh âm tính nhưng có yếu tố dịch tễ (trở về từ vùng dịch, đi đến các điểm cảnh báo Bộ Y tế đã thông báo...) vẫn phải tuân thủ cách ly 14 ngày theo đúng quy định.

Trong Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 vừa được Bộ Y tế ban hành hôm 29/7 ghi rõ, các trường hợp bệnh nghi ngờ, cần làm xét nghiệm khẳng định nhiễm SARS-CoV-2; Những trường hợp bệnh nghi ngờ, kể cả ở những trường hợp đã xác định được tác nhân thông thường khác, cần làm xét nghiệm khẳng định để xác định SARS-CoV-2 ít nhất một lần.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, ngay từ tháng 3/2020, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo các tỉnh, thành, các cơ sở y tế đủ nhân lực được đào tạo, đủ trang thiết bị thì được tiến hành xét nghiệm, không cần phải đợi các viện thẩm định. "Chỉ cơ sở nào công bố ca dương tính mới phải thẩm định" - Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh và cho biết, việc thẩm định cũng được tiến hành rất nhanh.

Hiện số lượng xét nghiệm tăng lên hàng ngày, nhiều bệnh viện tham gia. Tốc độ xét nghiệm của chúng ta hiện đã tăng lên gần gấp 3 so với lúc cao điểm nhất vào tháng 4/2020. Trung ương cũng khuyến khích các địa phương làm xét nghiệm Realtime RT-PCR. Kỹ thuật này được bảo hiểm y tế thanh toán với chi phí 734.000 đồng/mẫu cho các đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế theo đúng hướng dẫn. 

Tại cuộc họp mới đây với lãnh đạo Bộ Y tế, báo cáo về năng lực xét nghiệm của Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế cho hay thống kê bước đầu trong số 600 cơ sở có ký hợp đồng với bảo hiểm xã hội có khoảng 10 đơn vị có khả năng làm được xét nghiệm Realtime RT- PCR, trong đó có ba bệnh viện tư nhân. Tối đa công suất của tất cả các đơn vị trên địa bàn là 3.300 mẫu một ngày.

Với Hà Nội, Bộ Y tế đã điều động Bệnh viện Bạch Mai, Đại học Y Hà Nội và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hỗ trợ ngành Y tế Hà Nội thực hiện xét nghiệm COVID-19 trong giai đoạn trước mắt. Địa phương này đến hôm nay đã rà soát được hơn 94.000 người trở về từ Đà Nẵng trong tháng 7.

Hướng dẫn mới nhất về thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19 đã nêu cụ thể, các trường hợp thuộc diện được thanh toán cụ thể là: Người bệnh thực hiện các biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và người nhiễm COVID-19 đang khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Bên cạnh đó, các trường hợp được cơ sở y tế chỉ định thực hiện xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế về chẩn đoán, điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV cũng sẽ được bảo hiểm thanh toán.