Bị bệnh trĩ khoảng hơn 1 năm nay nhưng thay vì tìm tới các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị thì nam thanh niên 27 tuổi ở Quảng Ninh lại tin theo các bài thuốc dân gian và tự mua thuốc về đắp.
Hậu quả là sau khoảng 1 tuần, người bệnh bắt đầu thấy đau rát vùng mông. Trên da xuất hiện các vết loét rộng khoảng 5 cm có nhiều tổ chức hoại tử, chảy dịch vàng. Lúc này, anh mới đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) để điều trị.
Tổn thương của người bệnh khi nhập viện. Ảnh: BVCC
Các bác sĩ cho biết, người bệnh nhập viện với vùng da cạnh hậu môn có 2 ổ loét rộng khoảng 5cm, vết loét có nhiều tổ chức hoại tử, chảy dịch vàng. Người bệnh được chẩn đoán loét da quanh hậu môn, hoại tử tầng sinh môn.
Hiện người bệnh đang điều trị kháng sinh để khắc phục tình trạng loét da, sau đó xét phẫu thuật để khắc phục vết thương tầng sinh môn.
Theo TS.BS Vũ Đức Thụ - Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa và tổng hợp: Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh trĩ như phẫu thuật bằng phương pháp Longo, Laser, tiêm xơ… Để điều trị bệnh trĩ cần phải dựa vào tình trạng cụ thể của từng người. Sau đó bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp hỗ trợ điều trị phù hợp.
Cần làm gì khi có dấu hiệu bệnh trĩ
Bệnh trĩ là tình trạng các tĩnh mạch dưới da hậu môn hoặc trong niêm mạc trực tràng nổi rõ lên, chủ yếu thường thấy ở người mang thai, béo phì, căng thẳng, táo bón kéo dài hoặc lối sống ít vận động và sử dụng rượu bia.
Nếu bệnh trĩ không được điều trị, thời gian lành bệnh sẽ không thể xác định chính xác. Búi trĩ nhỏ có thể tự khỏi trong vài ngày mà không cần can thiệp y tế. Tuy nhiên, búi trĩ kích thước lớn có nguy cơ kéo dài, gây ra triệu chứng đau, khó chịu, mót rặn nhiều mỗi khi đi đại tiện…
Trong một số trường hợp, bệnh trĩ có thể tự khỏi. Để tránh trĩ kéo dài, người bệnh nên được can thiệp điều trị sớm. Phương pháp điều trị chủ yếu là uống thuốc không kê đơn để cải thiện triệu chứng trong vòng 1 – 2 tuần. Một số trường hợp phải dùng thuốc kê đơn hoặc thậm chí phẫu thuật để loại bỏ trĩ kích thước lớn cũng như ngăn ngừa biến chứng.
Ảnh minh họa
Cách phòng ngừa bệnh trĩ đơn giản mà hiệu quả
Để ngăn ngừa bệnh trĩ, bác sĩ khuyến khích nên chủ động thực hiện các biện pháp quan trọng sau đây:
- Ăn nhiều chất xơ: Bổ sung nhiều chất xơ (20 – 35gr/ngày) giúp đi đại tiện dễ hơn, tránh táo bón. Thực phẩm bao gồm rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, đậu.
- Uống nước: Uống nhiều nước giúp cải thiện tình trạng phân cứng và táo bón, hạn chế rặn khi đại tiện, từ đó giảm tối đa nguy cơ bị bệnh trĩ. Ngoài ra, ăn nhiều trái cây tươi cũng là cách để bổ sung nước.
- Vận động thường xuyên: Đi bộ 30 phút ngày để giúp cải thiện tuần hoàn máu và hỗ trợ hoạt động của đường ruột.
- Không nhịn đi đại tiện: Đi đại tiện ngay khi có dấu hiệu muốn đi, không nên nhịn để tránh bị trĩ.
- Không ngồi trên bồn cầu quá lâu: Thói quen này sẽ làm tăng lực lên tĩnh mạch và kích thích hình thành trĩ.