Theo PGS Nguyễn Huy Thắng, khi thời tiết quá lạnh, quá nóng, đặc biệt khi kèm với khí hậu ẩm ướt sẽ có nguy cơ đột quỵ. Thời tiết quá nóng ẩm, cơ thể mất nhiều nước sẽ dễ tạo ra huyết khối trong mạch máu (đặc biệt là hệ tĩnh mạch). Nguy cơ càng cao khi chúng ta tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời trong thời gian dài, hoặc khi nhiệt độ cơ thể vượt quá 40 độ C. Ngược lại khi thời tiết quá lạnh, chúng ta thường uống nước không đủ, điều này làm cơ thể thiếu nước, cũng có thể dẫn đến việc tạo ra các huyết khối.
Dù đã xuất hiện nhưng cơn mưa "vàng" nhưng thời tiết tại các tỉnh phía Nam vẫn có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 39 độ.
Ngoài ra, thời tiết quá lạnh hoặc quá nóng đều có thể gây ra các tác động đến sự co dãn quá mức hệ thống mạch máu, làm tăng huyết áp và tăng hoạt động của tim. Sẽ càng nghiêm trọng đối với những bệnh nhân lớn tuổi, có sẵn bệnh nền như cao huyết áp, nhưng không được kiểm soát tốt.
Theo PGS Nguyễn Huy Thắng, gần đây, đã có một số nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa thời tiết và đột quỵ. Tại hội nghị của Hội Tim mạch Châu Âu 2022, bác sĩ Fujimoto đã trình bày một nghiên cứu được thực hiện tại Nhật Bản, bao gồm 3.367 cư dân trên 65 tuổi, tại TP Okayama. Kết quả cho thấy, mối liên quan với đột quỵ rõ nhất là thời điểm một tháng sau mùa mưa. Cứ mỗi 1 độ C tăng thêm, nguy cơ đột quỵ xuất huyết não tăng thêm 24%, nguy cơ đột quỵ thiếu máu não tăng 36%. Nghiên cứu này đã cho thấy mối liên quan giữa thời tiết nóng với nguy cơ đột quỵ trong cộng đồng.
Một nghiên cứu khác, thực hiện tại 8 thành phố ở Trung Quốc, có số lượng dân số rất lớn (48 triệu). Nhiệt độ mùa lạnh dao động từ 4-23 độ C, mùa nóng từ 28-34 độ C. Kết quả cho thấy, cả 2 loại thời tiết quá lạnh hoặc quá nóng đều có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Ngoài ra, tác động của thời tiết lạnh chỉ nằm trong 2 tuần đầu, tác động của thời tiết nóng nằm trong 3 ngày đầu tiếp xúc. Như vậy, các thời điểm chuyển khí hậu là thời gian có nguy cơ cao, còn sau đó, nguy cơ sẽ giảm dần do cơ thể đã kịp thích nghi.
Dù vậy, những nghiên cứu này đều là các số liệu hồi cứu, ngoài ra cũng có khá nhiều yếu tố gây nhiễu chưa được tính đến. Ví dụ các phương tiện chống nóng như việc sử dụng máy lạnh, hoặc máy sưởi ra sao? Khuynh hướng chúng ta thường hạn chế ra khỏi nhà trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt chưa được tính đến… Tại Việt Nam, hiện chưa có nghiên cứu nào được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của thời tiết với đột quỵ. Tuy nhiên, về mặt cảm nhận chủ quan, chúng ta có thể ghi nhận được mối liên quan này.
"Trong phần lớn các trường hợp, có thể hiểu, thời tiết (nóng hay lạnh) là yếu tố thúc đẩy, hơn là xem nó như là một nguyên nhân trực gây ra đột quỵ. Ngoại trừ trường hợp khi nhiệt độ cơ thể bị đẩy lên cao trên 40 độ C, có thể gây ra đột quỵ do tăng thân nhiệt" - PGS Nguyễn Huy Thắng nói.