- Bạn đọc T.V.P. - nam, 40 tuổi; ngụ quận 5, TP HCM - hỏi: Chào bác sĩ, tôi năm nay 40 tuổi, vừa kết hôn. Vợ tôi 29 tuổi. Chúng tôi rất muốn có con sớm để không "vướng" một số kế hoạch tương lai. Tôi lo lắng với tuổi của mình, khả năng thụ thai đã kém. Thú thật tôi hơi có "bụng bia" vì ngồi văn phòng, ăn đồ ăn nhanh bữa trưa cũng nhiều và thỉnh thoảng cũng tụ tập bạn bè. "Bụng bia" có làm tôi "yếu" đi? Có cách ăn uống gì, luyện tập gì hay thuốc gì giúp tôi mau "khỏe" trở lại không?
* Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, chuyên khoa sức khỏe sinh sản, Phòng khám Đa khoa – chuyên khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, trả lời:
Với tuổi tác của vợ chồng bạn thì sau khi kết hôn, có con ngay là điều hợp lý chứ không gọi là sớm. Vấn đề lo lắng của bạn cũng hợp lý và cần chú ý những biện pháp như sau :
- Về khả năng thụ thai kém ở tuổi 40 như bạn cũng chưa là vấn đề. Ngược lại, cần chú ý ở phụ nữ vì khả năng thụ thai và sinh đẻ sẽ giảm dần theo tuổi, nhất là từ 35 tuổi trở đi.
- Dinh dưỡng đầy đủ, cân đối và hợp lý kèm với một chế độ sinh hoạt, làm việc, nghỉ ngơi, vận động thể chất phù hợp... là những điều cần thiết và luôn giúp ích cho sức khỏe mọi người (bao gồm cả sức khỏe sinh sản và tình dục) bất kể tuổi tác nào, cả nam và nữ.
- "Bụng bia" là từ ngữ dân gian để chỉ những người nam có hiện tượng tích mỡ vùng bụng nhiều khiến vòng bụng tăng lên. Đi kèm với việc tăng tích mỡ bụng là hàng loạt nguy cơ bệnh lý có thể đã có hoặc sẽ có như tăng mỡ trong máu, cao huyết áp, tiểu đường, xơ vữa mạch máu...
Do vậy, hiện tượng " bụng bia" là không tốt cho sức khỏe nói chung, bao gồm cả vấn đề sinh sản và khả năng tình dục về sau. Nguyên do lối sống, sinh hoạt ít vận động thể chất và dinh dưỡng thừa năng lượng, mất cân đối. Bia rượu cũng chỉ là một trong những nguyên nhân nêu trên nên có người dù không uống hoặc rất ít khi uống vẫn có thể có "bụng bia".
- Để cải thiện đời sống vợ chồng, sớm có tin vui, bạn cần chú ý thay đổi các thói quen không tốt như đã biết, tăng cường vận động, tập thể dục hoặc chơi các môn thể thao phù hợp. Cần tránh các áp lực căng thẳng (stress) trong công việc và đời sống thường ngày. Chế độ ăn cần tăng cường các loại rau quả tươi, giảm bớt chất béo và chất đường - tinh bột, chất đạm (thịt, cá, hải sản...), có thể bổ sung thêm các viên uống đa sinh tố để bổ sung vi chất .
- Hai vợ chồng không áp dụng biện pháp tránh thai nào cả mà trong vòng 9-12 tháng vẫn chưa có thai thì cả 2 phải đi khám và làm xét nghiệm tìm nguyên nhân. Hiện tại, nếu có lo lắng thì cả 2 cũng có thể đi khám tổng quát về phụ khoa, nam khoa, cũng như làm các xét nghiệm đánh giá khả năng có con.