Theo Bộ Y tế, hiện nay dịch sốt xuất huyết Dengue đang có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương, trong 6 tháng đầu năm 2022 cả nước ghi nhận 89.120 trường hợp mắc, 34 tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 (35.936/9) số mắc tăng 148%, tử vong tăng 25 trường hợp.
Dự báo số mắc sốt xuất huyết Dengue thời gian tới tiếp tục gia tăng cùng với đó số nhập viện, số ca nặng cũng tăng lên.
Trước tình hình này, gia đình nào cũng cần chủ động phòng chống sốt xuất huyết . Nếu chẳng may con bạn mắc bệnh, hẳn ai cũng sẽ vô cùng lo lắng. Cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội) khuyên, cha mẹ không cần quá bất an. Trẻ bị sốt xuất huyết mới chớm hoàn toàn có thể điều trị tại nhà bằng phương pháp Đông y mà không cần phải đến bệnh viện trong mùa có quá nhiều dịch bệnh như hiện nay.
Vậy, trong Đông y có những bài thuốc điều trị sốt xuất huyết cho trẻ tại nhà như thế nào? Cần lưu ý gì khi dùng? Lương y Bùi Hồng Minh đã dành thời gian chia sẻ qua cuộc phỏng vấn nhanh dưới đây!
PV: Trong Đông y có những bài thuốc điều trị sốt xuất huyết cho trẻ ngay tại nhà không? Xin lương y chia sẻ!
Lương y Bùi Hồng Minh: Đông y có sử dụng một số bài thuốc để điều trị sốt xuất huyết cho trẻ. Bạn hoàn toàn có thể chữa bệnh cho con ngay tại nhà mà không cần đến bệnh viện. Tôi xin chỉ ra một số bài thuốc như sau:
Bài 1
- Lá cúc tần 12g, cỏ nhọ nồi 16g, mã đề 16g, sắn dây củ 20g, trắc bách diệp (sao đen) 16g, rau má 16g, lá tre 16g, gừng tươi 3 lát. Nếu không có lá trắc bách diệp có thể thay thế bằng lá sen sao đen 12g hoặc kinh giới sao đen 12g. Không có sắn dây thay bằng lá dâu 16g.
- Cách dùng: Toàn bộ số thuốc trên rửa sạch (trừ thuốc được sao) cho vào ấm, đổ 600ml nước đun sôi 30 phút sau đó đổ vào phích để ấm, ngày uống 3 lần.
Bài 2
- Cỏ nhọ nồi 20g, rễ cỏ tranh 20g, sài đất 20g, hòe hoa sao vàng 12g, cối xay sao vàng 8g, kim ngân (hoa, lá, cuống) 12g, hạ khô thảo 12g, gừng tươi 3 lát. Nếu không có hạ khô thảo thì thay bằng bồ công anh 12g.
- Cách dùng: Toàn bộ thuốc trên rửa sạch (trừ hòe hoa) cho vào ấm, đổ 600ml nước, đun sôi 30 phút, để ấm uống 3 lần trong ngày.
Bài 3
- Cỏ nhọ nồi 20g, cam thảo 6g, hoạt thạch 12g, mã đề 16g, gừng tươi 3 lát. Nếu không có hoạt thạch thay bằng lá cối xay 12g. Không có mã đề thay bằng lá tre 16g.
- Cách dùng: Tất cả rửa sạch trừ cam thảo, hoạt thạch, cho vào ấm đổ 600ml nước, đun sôi 30 phút, để ấm, uống ngày 3 lần.
Bài 4
- Hoạt thạch 240g, cam thảo 40g.
- Cách dùng: Tất cả đều tán bột, sắc với 1,5 lít nước, đun sôi 30 phút để lắng, chắt ra chia 4 lần uống trong ngày. Uống thấy hết sốt thì dừng ngay.
PV: Khi sử dụng những bài thuốc này có cần lưu ý gì không thưa ông?
Lương y Bùi Hồng Minh: Nói chung bạn nên căn cứ tình trạng cây thuốc ở địa phương mà mua thuốc dùng cho hợp lý là được. Nhưng tôi khuyến cáo điều quan trọng nhất: Những bài thuốc trên chỉ phù hợp với trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết độ I, II (nhiệt tà độc xâm phạm phần vệ khí). Tức là trẻ mắc sốt xuất huyết ở giai đoạn đầu, giai đoạn còn nhẹ thì mới được tự điều trị tại nhà.
Ngoài ra, tùy vào từng độ tuổi, tình trạng sức khỏe của trẻ... sẽ được tư vấn cụ thể số lượng thuốc mỗi bài giảm đi bao nhiêu để phù hợp nhất. Tốt nhất nên tham khảo thêm ý kiến bác sĩ Đông y trong trường hợp cụ thể của con. Nếu trẻ bị sốt xuất huyết xuất hiện chuyển biến nặng như hạ huyết áp, vật vã li bì... cần nhanh chóng đưa trẻ nhập viện và điều trị kịp thời.
PV: Để phòng tránh nguy cơ trẻ bị sốt xuất huyết, xin lương y chia sẻ thêm một số lời khuyên để bảo vệ con tốt hơn trong mùa dịch bệnh?
Lương y Bùi Hồng Minh: Hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh sốt xuất huyết. Do đó, để phòng tránh bệnh cho trẻ, bố mẹ cần chú ý kiểm soát côn trùng trung gian truyền bệnh như tránh muỗi đốt, diệt bọ gậy (loăng quăng), diệt muỗi trưởng thành, vệ sinh môi trường để loại bỏ các ổ chứa nước đọng, phun thuốc diệt muỗi... để bảo vệ sức khỏe cho con trẻ cũng như mọi thành viên trong gia đình.
Mọi người cũng nên chú ý mặc quần áo dài tay, khi ngủ cho trẻ ngủ trong màn, không cho trẻ ở nơi ẩm thấp, tối tăm để tránh muỗi đốt.
PV: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ!