Tuổi nào mới nên bắt đầu làm “chuyện ấy”?

Mặc dù việc quan hệ tình dục có thể được bắt đầu ở độ tuổi dậy thì, nhưng đây không phải độ tuổi thích hợp để làm “chuyện ấy”.

Tuổi nào mới nên bắt đầu làm “chuyện ấy”? - 1

Ảnh minh họa.

Ngày càng nhiều học sinh "yêu" sớm

Một nghiên cứu của Tiến sĩ tâm lý học Trần Thành Nam (giảng viên trường ĐHQGHN) và đồng nghiệp chọn mẫu tại một số trường ở nội và ngoại thành Hà Nội cho thấy, đến hết lớp 9 có khoảng 10% học sinh đã từng quan hệ tình dục; tính đến hết lớp 12 thì con số là 39%.

Trong số học sinh THPT thừa nhận từng có quan hệ tình dục thì có đến 29.5% các em nam cho biết không sử dụng bao cao su trong lần quan hệ gần nhất; và chỉ có 8% các em học sinh nữ nói rằng mình có sử dụng ít nhất một hình thức “phòng tránh thai” nào đó (bao gồm nhiều hình thức không khoa học như uống nước chanh; quan hệ đứng và vệ sinh vùng kín ngay sau khi quan hệ bằng chanh).

Theo các chuyên gia, tuổi quan hệ tình dục lần đầu ở thanh thiếu niên Việt ngày càng trẻ hóa. Đáng ngại, có những trường hợp sau khi bị phát tán hình ảnh hay clip trên mạng đã gặp sang chấn tâm lý dẫn tới hành vi tự tử (trường hợp đau lòng của nữ sinh lớp 11 ở Nghệ An). Đây thực sự là điều khiến các bậc phụ huynh khá đau đầu.

Chia sẻ về vấn đề này, BSCKII Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, nam giới, việc xuất tinh sớm và thường xuyên sẽ làm hao hụt đáng kể số lượng và chất lượng tinh trùng mặc dù việc quan hệ tình dục có thể được bắt đầu ở độ tuổi dậy thì.

Lý giải điều này, BS Lợi cho biết, mặc dù ở tuổi dậy thì (nam có tinh trùng, nữ xuất hiện kinh nguyệt mỗi tháng) cả nam, nữ đều có thể làm chuyện ấy nhưng chưa hoàn thiện về mặt cơ thể.

“Làm “chuyện ấy” quá sớm khiến các em có thể có con ngoài ý muốn và buộc phải phá thai, gây ám ảnh, sợ hãi cho các em suốt quãng thời gian sau này”, BS Lợi nhận định.

Đặc biệt, ở nam giới, việc xuất tinh sớm và thường xuyên sẽ làm hao hụt đáng kể số lượng và chất lượng tinh trùng. Đồng thời, nam giới càng quan hệ sớm càng dễ bị rối loạn cương dương và suy sinh dục khi trưởng thành.

Ngoài ra, BS Lợi cũng nhấn mạnh, thanh thiếu niên quan hệ sớm còn có nguy cơ mắc các bệnh xã hội như viêm niệu đạo, HIV, lậu, sùi mào gà. Trong đó, nhiều bệnh không thể chữa khỏi.

Ông cho biết, từng gặp những nam sinh đến viện trong tình trạng bí tiểu, tiểu buốt. Đáng buồn khi hỏi “tiền sử” tình trường thì các em thường quanh co, chỉ đến khi bác sĩ chỉ ra những hậu quả khôn lường các em mới thú nhận nhưng đều rất “lơ mơ” về các biện pháp an toàn trong quan hệ tình dục.

Về mặt tâm lý, việc quan hệ ở độ tuổi quá trẻ khiến các em rơi vào trạng thái lo sợ do thường xuyên phải giấu giếm, căng thẳng. Khi mắc các bệnh lây nhiễm, do ngại chia sẻ, đa số bệnh nhân không được chữa trị kịp thời và khiến tình trạng tăng nặng hoặc gặp các biến chứng nguy hiểm khi nhập viện.

Tuổi nào mới nên bắt đầu?

Bác sĩ Nguyễn Bá Hưng, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội giải thích thêm, đối với con trai từ 10-19 tuổi sẽ trải qua các bước phát triển về bộ máy sinh sản.

Xuất tinh lần đầu của các chàng trai thường ở 13-15 tuổi và xảy ra ban đêm khi đang ngủ (mộng tinh). Còn ở con gái, từ 9-14 tuổi, khi bắt đầu có kinh nguyệt, nhu cầu tình dục cũng xuất hiện.

Tuy nhiên, độ tuổi thích hợp để quan hệ tình dục là 20 tuổi đối với nam giới, 18 tuổi đối với nữ giới. Đây là giai đoạn cơ thể hoàn chỉnh về giải phẫu cũng như tâm sinh lý, không nên “yêu” quá sớm để tránh những hệ quả đáng tiếc.

Hơn nữa, tuổi phù hợp cho quan hệ tình dục là độ tuổi được phép kết hôn theo pháp luật Việt Nam: nam từ 20 tuổi, nữ từ 18 tuổi. Lúc này bạn trẻ có đủ năng lực về nhận thức, sự ổn định về tâm lý và xã hội.

Đặc biệt, theo BS Nguyễn Bá Hưng, quan hệ tình dục không an toàn tuổi vị thành niên do ý thức về tự bảo vệ và an toàn tình dục chưa có sự chuẩn bị, các bạn dễ mắc những bệnh lý lây truyền qua đường tình dục, sang chấn bộ phận sinh dục và vấn đề tâm lý. Những yếu tố này ảnh hưởng đến sức khỏe nam giới trong tương lai cả về chức năng tình dục và chức năng sinh sản.