Bác sĩ Phạm Quang Khải tốt nghiệp thạc sĩ, bác sĩ tại trường Đại học Y Hà Nội.
Hiện đang công tác tại Khoa Phẫu thuật tiết niệu và Nam...
Hoàng Quân (17 tuổi), hiện là học sinh tại một trường THPT tại Hà Nội. Còn Lê Nam (22 tuổi), đang là sinh viên năm cuối đại học. Hai người mới quen nhau khoảng 2 năm, nhưng thân thiết hơn cả anh em ruột.
Nam tích cực hỗ trợ Quân trong học tập và cả hai thường xuyên chia sẻ với nhau nhiều chuyện trong cuộc sống. Nhiều người thấy mối quan hệ của Quân và Nam còn trêu rằng cả hai đang yêu nhau. Khi nghe những câu như vậy, hai nam sinh chỉ cười và nói những câu bông đùa cho qua chuyện.
Gần đây, Quân thấy người mệt mỏi, sụt cân, lập tức Nam khuyên và đưa bạn tới bệnh viện thăm khám. Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Quang Khải, Khoa Phẫu thuật Thận Tiết niệu - Nam học (Bệnh viện E) cho biết, khi tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ khai thác thông tin, đồng thời hỏi về mối quan hệ cũng như lý do đi khám. Khi đó, hai người đã thừa nhận, trước đó quen biết nhau vì sinh hoạt trong cộng đồng LGBT (đồng tính). Vì hợp nhau, nên cả hai thường xuyên tâm sự, rồi trở thành người yêu và trước khi đi khám đã có đôi lần quan hệ qua "cửa sau".
Đưa người yêu vào viện khám vì mệt mỏi, sau khi kiểm tra cả hai đều nhiễm HIV. Ảnh minh họa.
Khi bác sĩ Khải cảnh báo về nguy cơ lây bệnh, cả hai chỉ biết nhìn nhau và kể rằng, vì muốn cảm giác chân thật nên "yêu" không dùng bao cao su. “Thời điểm đó, dù chỉ một mình bệnh nhân 17 tuổi (Quân), có dấu hiệu mệt mỏi, sụt cân đi khám, nhưng tôi khuyên bạn trai đi cùng nhân tiện kiểm tra sức khỏe luôn. Kết quả, cả hai đều mắc bệnh HIV”, bác sĩ Khải cho biết.
Khi biết tin này, cả 2 người đều rất bất ngờ và không biết mình đã lây nhiễm HIV từ lúc nào. Trong suy nghĩ của hai bạn trẻ, chỉ quan hệ tình dục đơn thuần giữa bộ phận sinh dục của nam - nữ mới có thể lây bệnh, còn quan hệ qua hậu môn là an toàn.
Theo bác sĩ Khải, sau khi có kết quả, ngoài động viên tâm lý, bác sĩ tư vấn cho cả hai nên chia sẻ tình trạng bệnh với gia đình, đồng thời đăng ký để dùng thuốc ức chế virus sớm cũng như có biện pháp phòng ngừa, tránh lây nhiễm cho người khác.
Bác sĩ Quang Khải cho biết, quan hệ đồng tính có nguy cơ lây bệnh HIV và các bệnh qua đường tình dục khác do hậu môn không phải là đường quan hệ chính thống, dễ bị tổn thương.
“Hiện nhiều người đồng tính thích cảm giác chân thật khi quan hệ không dùng bao cao su. Không ít người có suy nghĩ sai lệch về đường lây bệnh như hai bệnh nhân trên, khi cho rằng, quan hệ qua đường hậu môn sẽ ít có nguy cơ lây nhiễm bệnh như đường âm đạo. Thực tế cho thấy, nguy cơ lây nhiễm HIV qua giao hợp "cửa sau" cao hơn so với cách truyền thống do niêm mạc ở trực tràng dễ bị tổn thương và bị virus xâm nhập hơn so với niêm mạc âm đạo”, bác sĩ Khải cảnh báo.
Dùng bao cao su khi quan hệ là điều kiện bắt buộc để phòng bệnh. Ảnh minh họa.
Một vấn đề khác bác sĩ Khải cũng lưu ý là cộng đồng đồng tính nam thường sinh hoạt chung trong một nhóm và có thể thường xuyên thay đổi đối tác tình dục. Vì thế, việc quan hệ chéo có thể làm lây bệnh theo cấp số nhân. Đây là vấn đề rất nguy hiểm, nếu không được ngăn chặn hoặc tuyên truyền để chính những người trong cuộc chủ động phòng bệnh.
“Khi quan hệ qua đường hậu môn, điều kiện bắt buộc là phải dùng bao cao su, ngoài ra nên dùng gell bôi trơn để tránh bị tổn thương vùng này. Khi có bất kể dấu hiệu bất thường nào, nhất là sau khi quan hệ không an toàn, cần đi khám sớm tại những cơ sở y tế uy tín, đúng chuyên môn”, bác sĩ Khải khuyến cáo.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi