Tuyến tiền liệt nằm dưới bàng quang, phía trước trực tràng. Nó bao quanh niệu đạo - ống dẫn nước tiểu nằm bên trong dương vật, qua đó nước tiểu và tinh dịch được thoát ra ngoài.
Theo thống kê trên toàn thế giới năm 2020, ung thư tuyến tiền liệt đứng thứ 2 về tỉ lệ mắc mới với gần 1,5 triệu người, chỉ sau ung thư phổi.
Ung thư tuyến tiền liệt phát triển chậm, khá âm thầm. Đa số người mắc bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm có thể sống nhiều năm. Nhưng nếu bệnh ở giai đoạn muộn sẽ di căn rất nhanh chóng và có thể tử vong.
Ung thư tuyến tiền liệt đặc biệt hay di căn vào xương và các hạch bạch huyết, gây đau đớn và đi tiểu khó, khiến nam giới gặp vấn đề trong quan hệ tình dục, rối loạn chức năng cương dương.
Các giai đoạn của ung thư tuyến tiền liệt. Ảnh: Bệnh viện K
Giai đoạn sớm ung thư tuyến tiền liệt thường rất khó phát hiện. Bệnh nhân có thể được phát hiện tình cờ qua xét nghiệm chất PSA trong máu hoặc siêu âm.
Khối ung thư càng lớn sẽ gây chèn ép vào niệu đạo làm cho người bệnh khó tiểu, tiểu dắt, phải rặn. Bệnh nhân có thể bị rát, tiểu ra máu, thậm chí bí tiểu hoàn toàn, gây đau vùng bụng dưới, bàng quang căng to.
Ở giai đoạn muộn, khối u có thể di căn đến các vùng xa hơn của cơ thể như cột sống thắt lưng hay xương chậu gây đau vùng lưng - chậu, di căn gan, gây đau bụng và vàng da, di căn phổi gây đau ngực và ho nhiều.
Do đó, các chuyên gia đều thống nhất, phát hiện sớm là biện pháp tích cực nhất trong việc kiểm soát bệnh.
Nam giới từ 40 tuổi trở lên nên tầm soát ung thư tuyến tiền liệt định kỳ mỗi năm một lần nhằm phát hiện bệnh khi còn ở giai đoạn sớm. Nếu kết quả xét nghiệm nghi ngờ có bệnh, các thăm khám tầm soát tuyến tiền liệt bao gồm khám bằng tay và đo chất PSA (kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt) sẽ cần được thực hiện để chẩn đoán bệnh.