Theo Đông y, mía có vị ngọt, tính lạnh, lợi vào kinh phế và vị, có công dụng thanh nhiệt lợi thấp, sinh tân nhuận táo, lợi liệu, tiêu trừ mệt mỏi, trợ giúp tiêu hoá.
Dùng mía chữa các chứng bệnh đường hô hấp, sốt cao, giải độc, tiểu tiện bất lợi, đại tiện táo kết, bụng đầy trướng, tiêu hoá phiền nhiệt…
Một số công dụng cụ thể của nước mía:
Bổ sung năng lượng: Một lợi ích sức khỏe quan trọng của nước mía là giàu các loại carbohydrates, protein, sắt, kali và các chất dinh dưỡng thiết yếu khác làm cho nó trở thành thức uống bổ sung năng lượng lý tưởng.
Giải nhiệt: Trong những ngày hè nóng nực, một cốc nước mía lạnh có thể giúp hồi phục sức khỏe và năng lượng cần thiết cho cơ thể. Nước mía có tác dụng tích tụ nước trong cơ thể và huyết tương, giúp chống khô kiệt và mệt mỏi.
Chống viêm: Hàm lượng các chất chống ô-xy hóa trong nước mía giúp đánh bại các bệnh viêm nhiễm và tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch.
Hỗ trợ tiêu hóa: Nước mía có thể giúp bạn cải thiện hệ tiêu hóa rất tốt. Kali trong nước mía giúp bạn cân bằng độ pH trong dạ dày, hỗ trợ việc tiết dịch vị tiêu hóa và góp phần giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru. Nước mía cũng có tác dụng giúp ngăn ngừa nhiễm trùng dạ dày.
Hỗ trợ xương và răng phát triển: Mía giàu canxi nên có thể giúp xương và răng phát triển tốt hơn. Vậy nên, có thể ăn mía bên cạnh việc uống để tận dụng được lợi ích này của mía.
Lợi tiểu: Một trong những lợi ích sức khỏe quan trọng nhất của nước mía đó là lợi tiểu, có nghĩa là nó giúp điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi thận và đảm bảo chức năng của thận.
Chống sâu răng: Do có chứa hàm lượng khoáng chất cao, nước mía có công dụng phòng chống sâu răng và hạn chế tình trạng hôi miệng. Vì thế, sau khi ăn xong, có thể tráng miệng bằng một khúc mía hoặc uống nước ép mía để vừa thơm miệng lại tránh được sâu răng.
Thói quen uống nước mía gây hại
Uống nước mía để quá lâu
Nhiều người mua nước mía về nhưng chưa uống ngay hoặc vô tình quên mất. Mía và nước mía là đồ ăn thức uống rất tốt nhưng nếu để quá lâu hoặc bảo quản trong điều kiện không thích hợp thì rất dễ là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật gây bệnh phát triển, có thể dẫn đến tình trạng nhiễm độc.
Uống nước mía để lâu trong tủ lạnh
Không ít người nghĩ rằng, nước mía được bảo quản lạnh thì có thể dùng được 2-3 ngày. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm. Nước mía có tính lạnh và hàm lượng đường cao nên nếu bảo quản quá lâu trong tủ lạnh có thể gây rối loạn tiêu hóa.
Uống nước mía khi đang sử dụng một số loại thuốc
Trong mía có chứa chất policosanol giúp làm giảm cholesterol xấu của cơ thể, ngăn ngừa các bệnh về tim mạch. Tuy nhiên nếu đang sử dụng các loại thuốc bổ sung, chống đông máu thì không nên uống nước mía kẻo cản trở tác dụng của policosanol, khiến việc sử dụng nước mía không còn nhiều ý nghĩa.
Những ai nên hạn chế uống nước mía?
Theo các chuyên gia, nước mía có tính lạnh nên những người tì vị hư yếu, hay đầy bụng, đi lỏng và những người bị tiểu đường không nên uống nhiều để tránh gây hại cho cơ thể.
Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai cũng nên hạn chế uống nhiều nước mía. Dù nước mía có tác dụng làm giảm bớt chứng ốm nghén trong thai kỳ, tuy nhiên, nếu lạm dụng uống nhiều, sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, gây ảnh hưởng cho sức khỏe của mẹ và bé.
Ngoài ra, theo nghiên cứu của các nhà khoa học, đường chiếm 70% lượng dinh dưỡng trong nước mía, còn lại là chất béo, đạm và bột. Vì vậy, nước mía cung cấp rất nhiều năng lượng và chất dinh dưỡng, dễ gây tăng cân, béo phì. Do đó, những người đang muốn giảm cân nên hạn chế loại thức uống này để tránh "phản tác dụng".
Các chuyên gia khuyến cáo, đối với người có thể trạng bình thường, uống nước mía rất tốt cho sức khỏe nhưng chỉ nên uống với số lượng vừa phải, không dùng trong thời gian kéo dài. Liều lượng được khuyến cáo khi uống nước mía là 100 đến 200 ml và nên uống vào buổi chiều.