Bạn Thu Hằng đặt câu hỏi cho bác sĩ: "Chú tôi năm nay 45 tuổi uống rượu lâu năm, liệu việc uống rượu sau khi tiêm vắc xin có phải 'án tử'? Mong bác sĩ giải thích để tôi có thể phổ biến lại với chú mình".
Đây chỉ là một trong số những câu hỏi điển hình của nhiều độc giả gửi về cho các bác sĩ liên quan đến vấn đề uống rượu bia sau khi tiêm vắc xin Covid-19. Dưới đây là những chia sẻ của ThS. BSNT Vũ Ngọc Hà, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội về vấn đề này.
ThS. BSNT Vũ Ngọc Hà, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Cụ thể, BS. Hà nhận định: "Hiện tại, chưa có bằng chứng nào cho thấy rằng việc sử dụng bất cứ loại thực phẩm nào sau khi tiêm làm giảm tác dụng của vắc xin Covid-19. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo nên tránh uống rượu bia trước và sau khi tiêm vắc xin Covid-19 bởi các thực phẩm chứa cồn này có khả năng ức chế hệ thống miễn dịch, làm suy yếu khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể và tăng nguy cơ biến chứng. Điều này cũng tạo nên những khó khăn nhất định cho việc phân biệt phản ứng của rượu bia và phản ứng phụ của vắc xin". Do đó, tốt nhất mọi người, đặc biệt là người lớn tuổi không nên sử dụng rượu bia trong vòng 48 giờ sau khi tiêm vắc xin Covid-19, tốt nhất là sau 1 tuần.
Ngoài ra, với các loại trà, cà phê, nước tăng lực... các đồ uống chứa caffeine, trước khi tiêm vắc xin Covid-19, đây là những loại đồ uống được khuyến cáo là không nên sử dụng. Do caffeine có thể làm tăng tần số tim, tăng huyết áp, ảnh hưởng đến việc sàng lọc trước khi tiêm. Tuy nhiên, sau khi tiêm vắc xin, hiện tại cũng chưa có bằng chứng khuyến cáo không nên sử dụng những loại đồ uống nêu trên. Dù vậy, BS Hà nhắc nhở mọi người nên chú ý để những người thân lớn tuổi trong gia đình mình dùng chúng ở mức độ hạn chế.
Nói thêm về vấn đề dinh dưỡng cho người cao tuổi sau khi tiêm vắc xin Covid-19, BS. Hà cho biết: Sau khi tiêm vắc xin, tùy cơ địa của từng người sẽ có những phản ứng khác nhau như sốt nhẹ, đau mỏi khắp mình hoặc có tình trạng sưng đau tại chỗ tiêm.
Để giảm bớt những tình trạng này cho người lớn tuổi trong gia đình, người trẻ cần chú ý theo dõi và quan tâm đến chế độ dinh dưỡng của ông bà, bố mẹ với một số điểm lưu ý như sau:
1. Bổ sung nước
Ông bà, bố mẹ chúng ta khi càng có tuổi thì phần trăm lượng nước trong cơ thể họ lại càng giảm, chỉ khoảng 50% trọng lượng cơ thể. Do đó, nhu cầu nước của người cao tuổi sẽ là 30ml/kg/ngày.
Vì biểu hiện sốt ở người cao tuổi sau khi tiêm vắc xin là rất phổ biến nên chúng ta cần chú ý nhắc ông bà, bố mẹ bổ sung đủ lượng nước mà cơ thể cần. Ngoài việc uống nước lọc, người cao tuổi có thể dùng các loại nước ép trái cây như nước chanh, nước cam, nước bưởi... để bổ sung vitamin A, E, C.
2. Chế độ dinh dưỡng cân bằng, đầy đủ
Người cao tuổi cần được bổ sung đầy đủ các thành phần dinh dưỡng như chất đạm, chất đường, chất béo và các vitamin, khoáng chất, đặc biệt là vitamin A, E, C, D giúp nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể.
Chúng ta nên cho ông bà, bố mẹ ăn những thức ăn mềm, dễ tiêu như cháo đậu xanh, cháo hành nấu thịt, súp gà, súp cua... đồng thời nên chia nhỏ làm nhiều bữa trong ngày, thay vì ăn 3 bữa thì nên cho người cao tuổi trong gia đình ăn 5-6 bữa/ngày.
Với những loại vitamin tổng hợp, người cao tuổi có thể tiếp tục duy trì liều lượng sử dụng, không cần tăng hoặc giảm liều lượng sau khi tiêm vắc xin Covid-19.
3. Tránh một số loại thực phẩm
Như đã nêu ở trên, người cao tuổi sau tiêm vắc xin không nên uống rượu bia trong vòng 48 giờ, tốt nhất là trong vòng 1 tuần không nên đụng đến. Đối với các sản phẩm chứa nhiều caffeine cũng nên dùng với lượng hạn chế và cần chú ý theo dõi sức khỏe của người cao tuổi sau khi sử dụng.
Ngoài ra, các thực phẩm giàu chất béo không bão hòa như đồ ăn nhanh, đồ chiên, nướng, xào, rán sử dụng mỡ động vật cũng nên được hạn chế xuất hiện trong bữa ăn của người cao tuổi sau khi tiêm vắc xin Covid-19. Điều này là do chúng có thể làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể của người cao tuổi.
Chế độ dinh dưỡng cho người cao tuổi sau khi tiêm vaccine Covid-19
Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt cho người cao tuổi trong đại dịch
- Chế độ dinh dưỡng cân đối, phối hợp từ 15-20 thực phẩm/ngày, thay đổi đa dạng các món ăn trong ngày. Trong đó, chú ý phối hợp các loại đạm từ động vật (thịt, cá, trứng, sữa) và thực vật (đậu, đỗ); các vitamin và khoáng chất có nhiều trong rau củ, lượng rau xanh nên tiêu thụ từ 200-300g/người/ngày, quá chín từ 100-200g/người/ngày.
- Người cao tuổi nên tập thể dục tại nhà với con cháu với các bộ môn phù hợp theo khuyến cáo của bác sĩ. Một số bộ môn có thể lựa chọn là đi bộ, đạp xe, bơi lội, yoga, tập dưỡng sinh.