Viết trên tạp chí khoa học Nutrients, nhóm nghiên cứu từ Đại học Foffia, Đại học Bari, Đại học Bari Aldo Moro (Ý) và Đại học King Faisal (Ả Rập Saudi) đã chỉ ra atiso có thể là một "thần dược" thực sự trong việc hạ mỡ máu, đường huyết, huyết áp và đầy lùi một loại bệnh chết người.
Một gợi ý chế biến atiso kiểu Địa Trung Hải - Ảnh minh họa từ Internet
Từ lâu, ở nhiều quốc gia từ Địa Trung Hải tới châu Á, atiso đã được coi là một món ăn, uống lành mạnh, giúp thanh nhiệt, tốt cho người mắc một số bệnh mạn tính.
Nghiên cứu này nhằm chứng minh rõ ràng các tác đụng được đồn đại của atiso, dựa trên các bằng chứng khoa học cụ thế.
Các nhà khoa học đã xác định được một loạt hợp chất hoạt tính sinh học có lợi trong những phần thường được dùng để làm trà, nấu ăn của cây atiso.
Loài thực vật này có hàm lượng chất béo thấp, hàm lượng chất xơ không hòa tan cao, vitamin C, khoáng chất (phốt pho, kali và natri), các hợp chất phenolic và dẫn xuất của chúng - nhóm axit hydroxycinnamic và flavonoid...
Trong đó, một hợp chất nổi bật là axit chlorogen có tác đụng bảo vệ sức khỏe toàn diện, còn cynarin có tác dụng bảo vệ gan trong khi các dẫn xuất flavonoid có tác dụng chống viêm và ức chế các mầm bệnh rất tốt.
Chiết xuất từ thân, lá và hoa atiso có thể chống lại các mầm bệnh đường tiêu hóa phổ biến bao gồm vi khuẩn thương hàn, tụ cầu và E.coli, cũng như kháng một số nấm gây hại, ức chế sự nhân lên của một số virus.
Với bệnh tim mạch, atiso có tác dụng chống lại tình trạng cao huyết áp và mạnh mẽ hơn cả là khả năng chống lại tình trạng rối loạn lipid máu, tức "máu nhiễm mỡ" hay "mỡ máu cao".
Một thí nghiệm dùng atiso trong 8 tuần cho thấy tất cả tình nguyện viên đều giảm được cholesterol toàn phần, cholesterol xấu LDL, chất béo trung tính triglyceride; trong khi tăng được cholesterol tốt HDL.
Với người bị huyết áp nhẹ, họ thậm chí có thể khỏe lại sau 12 tuần bổ sung nước ép atiso đậm đặc.
Ngoài ra, tác dụng chống viêm, chống oxy hóa cao của "thần dược" này còn giúp nó có tác dụng bảo vệ thần kinh, rất có ích trong việc ngăn ngừa Alzheimer và các dạng suy giảm trí nhớ khác, rối loạn lo âu và trầm cảm.
Đây cũng là thứ có tiềm năng bảo vệ gan trước bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
Nhóm tác giả kết luận các đặc tính trên cho thấy atiso nên là một phần của chế độ ăn lành mạnh, nhất là đối với những người có nhu cầu tăng cường khả năng miễn dịch, hạ mỡ máu và bảo vệ thần kinh.
Một tin tốt là tại Việt Nam, atiso có thể được tiếp cận dễ dàng qua các hình thức khác nhau, từ trà atiso cho đến các món canh, món xào... có sử dụng nguyên liệu này.
Trong khi đó, các quốc gia Địa Trung Hải thường sử dụng atiso như một loại rau giúp gia tăng hương vị cho các món mặn.