Vitamin là một phần thiết yếu của sức khỏe tổng thể, nhưng nghiên cứu mới cho thấy chúng không đóng vai trò lớn trong kết quả chữa COVID-19 như nhiều người nghĩ — và các chuyên gia nhấn mạnh việc chỉ dựa vào chúng có thể sẽ gây hại đến sức khoẻ.
Đối với một phân tích tổng hợp gần đây được công bố trên tạp chí Clinical Nutrition, các nhà nghiên cứu từ Đại học Toledo, Mỹ đã kiểm tra dữ liệu từ 26 nghiên cứu khác nhau tập trung vào vai trò của vitamin - cụ thể là vitamin C, vitamin D và kẽm - trong việc điều trị COVID-19. Cuối cùng, họ phát hiện ra rằng vitamin không làm giảm nguy cơ tử vong của bệnh nhân.
Theo các nhà nghiên cứu, điều đó không có nghĩa là vitamin là xấu hoặc không cần thiết. Chỉ là trừ khi chúng được bác sĩ chỉ định do thiếu hụt, các vi chất dinh dưỡng sẽ không hữu ích trong việc ngăn ngừa hoặc điều trị COVID-19. Dưới đây là những điều bạn cần biết để xác định xem bạn có đang sử dụng những loại vitamin này đúng cách hay không.
Nghiên cứu nói gì về vitamin và nguy cơ tử vong do COVID-19?
Các vi chất dinh dưỡng như vitamin C, vitamin D và kẽm từ lâu đã được quảng cáo là có đặc tính tăng cường miễn dịch — đó là lý do tại sao khi bắt đầu đại dịch COVID-19, mọi người đã coi chúng như một liệu pháp tiềm năng.
Đối với phân tích mới, các nhà nghiên cứu đã tìm cách xác định mức độ hữu ích của những vitamin đó trong việc ngăn ngừa COVID-19 và bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật nghiêm trọng và tử vong. Để làm được điều này, họ đã tiến hành 28 cuộc nghiên cứu với hơn 56.000 bệnh nhân.
Trong tất cả 26 nghiên cứu, không có bệnh nhân nào được bổ sung vitamin C, vitamin D hoặc kẽm nhận được lợi ích về việc giảm tỷ lệ tử vong so với những bệnh nhân không được bổ sung.
Trong số cả 3 vi chất dinh dưỡng, vitamin D cho thấy một số lợi ích đối với bệnh nhân COVID-19. Theo các nhà nghiên cứu, việc bổ sung vitamin D có liên quan đến tỷ lệ đặt nội khí quản thấp hơn và thời gian nằm viện rút ngắn ở bệnh nhân COVID-19 — nhưng họ nói rằng cần thêm bằng chứng để chứng minh những phát hiện đó.
Thay vì cố gắng bổ sung các vi chất dinh dưỡng, các nhà nghiên cứu cho biết, tốt hơn nên tập trung vào một liệu pháp mà đã được chứng minh là làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh nặng và tử vong do COVID-19: vắc xin.
Bác sĩ Ragheb Assaly, giáo sư y khoa tại Đại học Toledo cho biết trong một thông cáo báo chí: “Điều quan trọng là mọi người phải hiểu rằng uống nhiều chất bổ sung này không mang lại kết quả tốt hơn. Câu trả lời cần thiết nhất cho căn bệnh này là vắc xin. Việc bổ sung vi chất dinh dưỡng sẽ không bù đắp được việc không tiêm hoặc tiêm thiếu liều vacxin. Chìa khóa để chống lại COVID-19 là phòng ngừa hơn điều trị”. Ngoài ra, ông chia sẻ: 3 điều cần thiết nhất mọi người nên làm là tiêm phòng, giữ khoảng cách và đeo khẩu trang."
Vitamin có hữu ích cho COVID-19 không?
Mặc dù vitamin không liên quan đến việc giảm nguy cơ tử vong do COVID-19, nhưng bạn vẫn cần nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu để hoạt động — và sự thiếu hụt bất kỳ chất nào trong số chúng chắc chắn có thể tác động tiêu cực đến khả năng chống lại nhiễm trùng của hệ thống miễn dịch của bạn.
Nhưng việc bổ sung cho sự thiếu hụt vitamin ảnh hưởng đến COVID-19 và kết quả lâm sàng như thế nào vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng. Một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí PLOS ONE cho thấy, những người bị thiếu vitamin D có nhiều khả năng bị bệnh nặng hoặc tử vong do COVID-19. Nhưng các nhà nghiên cứu từ nghiên cứu đó kết luận rằng, cần có các nghiên cứu sâu hơn để xác định xem liệu và khi nào việc bổ sung vitamin D ở những người bị thiếu hụt có ảnh hưởng đến kết quả lâm sàng.
Gerard Mullin, bác sĩ tiêu hóa tại Johns Hopkins Medicine và phó giáo sư y khoa tại Trường Y Johns Hopkins, cho rằng: "Chúng tôi biết những người có mức vitamin D thấp sẽ tồi tệ hơn khi mắc COVID-19, nhưng chúng tôi không kết luận liệu việc uống vitamin D vào thời điểm bạn đã nhiễm bệnh có tạo ra sự khác biệt hay không”.
Nghiên cứu này có ý nghĩa gì?
Uống vitamin hoặc chất bổ sung không phải là cách đáng tin cậy để bảo vệ bạn khỏi bị nhiễm COVID-19 hay giảm tình trạng bệnh nặng. Và nếu bạn liên tục sử dụng các chất bổ sung không cần thiết hoặc không được bác sĩ khuyến nghị, bạn sẽ tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ hoặc thậm chí là ngộ độc vitamin.
Nếu bạn bị thiếu bất kỳ loại vitamin nào được chẩn đoán qua việc xét nghiệm máu, bác sĩ có thể đề nghị bổ sung. Ví dụ, đối với vitamin D, nếu bạn bị thiếu và được bổ sung kịp thời có thể giúp tăng sức khoẻ của xương, cơ, tim và hệ miễn dịch. Nhưng nếu bạn không có chỉ định y tế về vitamin, chúng sẽ không ảnh hưởng đến kết quả lâm sàng khi bạn mắc COVID-19.
Theo Tiến sĩ Willett, giáo sư dịch tễ học và dinh dưỡng tại Trường Y tế Công cộng Harvard, giáo sư y khoa tại Trường Y Harvard cho rằng, nếu bạn nghi ngờ mình đang thiếu bất kỳ loại vitamin nào — và trong khi chờ bác sĩ chỉ định — bạn có thể tăng cường ăn trái cây, rau và các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe khác, sẽ tốt hơn việc bổ sung thông qua thực phẩm chức năng.