PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh - Phó trưởng Tiểu ban Điều trị cho biết, đến sáng ngày 3/8, Việt Nam đã ghi nhận 621 trường hợp bệnh nhân mắc COVID trong đó đã chữa khỏi cho 373 ca (chiếm 60%); 6 ca tử vong, chiếm (1%), 9 bệnh nhân nguy kịch, thở máy xâm nhập, điều trị tích cực ICU, ECMO; 23% các ca không có biểu hiện lâm sàng; 20 trường hợp bệnh nhân tiên lượng nặng.
Để ứng phó nhanh nhất tình hình dịch ở Đà Nẵng, Bộ Y tế đã cử 4 đoàn công tác, tinh nhuệ nhất của ngành y tế với nhiều chuyên gia đầu ngành về chống dịch, môi trường y tế, hồi sức tích cực, tim mạch, chạy thận nhân tạo, xét nghiệm… vào phối hợp, chi viện y tế Đà Nẵng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19.
Về công tác xét nghiệm, hỗ trợ của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TPHCM và Viện Pasteur Nha Trang đã lấy mẫu và xét nghiệm cho tổng cộng 9.330 người và tính đến thời điểm tối 2/8 đã phát hiện 121 ca dương tính với virus SARS-COV-2.
Đã cách ly 9. 559 trường hợp tiếp xúc với người nhiễm COVID-19 trong đó 3.923 tại các cơ sở y tế, 2.582 tại các cơ sở cách ly tập trung và 3.045 được cách ly tại nhà dưới sự giám sát y tế.
Ông Trần Như Dương Đội trưởng Đội điều tra, giám sát dịch trao đổi trực tiếp với cán bộ cơ sở huyện Hòa Vang. Ảnh: Đội truyền thông, Bộ Y tế.
Về điều trị, Bộ Y tế cũng cử những giáo sư, chuyên gia y tế đầu ngành của bệnh viện tuyến đầu như Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ điều trị các bệnh nhân nặng tại Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng và tư vấn, hướng dẫn vận chuyển bệnh nhân nặng ra Bệnh viện Trung ương Huế và nhẹ về các bệnh viện tuyến dưới nhằm giảm tải cho Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Đội trưởng Đội điều trị cho biết: Lần nay, các chuyên gia hồi sức tích cực đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bạch Mai “đã lăn” vào cuộc chiến. Nhiều cuộc hội chẩn trực tuyến xin ý kiến từ các thầy ở Hà Nội và TP. HCM liên tục được diễn ra đối với những bệnh nhân nặng.
Điều đặc biệt của đoàn công tác lần này là có sự tham gia của 2 bác sĩ tâm lý đến từ Bệnh viện Bạch Mai với nhiệm vụ hỗ trợ tâm lý bằng các cuộc trò chuyện, tâm tình, chia sẻ kinh nghiệm từ Bạch Mai cho các thầy thuốc nơi tuyến đầu.
Ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Phó Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt, Đội trưởng Đội điều tra, giám sát dịch nói: Với kinh nghiệm của chúng tôi đã từng trải qua các ổ dịch tại Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bình Thuận, lần này có sự góp mặt của nhiều chuyên gia có kinh nghiệm “trận mạc” ở các Viện đầu ngành về phòng chống dịch, đã “3 cùng” với y tế dự phòng Đà Nẵng: Cùng đi xuống dân, cùng giám sát, cùng chia sẻ kinh nghiệm.
“Chúng ta đã làm việc quyết liệt rồi, cần tiếp tục mạnh mẽ hơn nữa, cương quyết, triệt để hơn”, ông Dương nhấn mạnh.
PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Đội trưởng Đội điều tra giám sát dịch của Bộ Y tế khẳng định: Hiện chưa có manh mối, không rõ nguồn lây, không có dấu vết.
“Qua báo cáo rõ ràng tình hình rất nguy hiểm. Cả đêm tôi mong sáng để đến đây. Mầm bệnh đã chui vào cộng đồng, nguy cơ sẽ lan sang cả làng, cả xã. Chúng ta phải rốt ráo, thần tốc cách ly F1. Khi nhận được kết quả xét nghiệm, lập tức buộc người ta ngồi yên một chỗ, đeo khẩu trang. Chính quyền phải xuống ngay gia đình để đề nghị người nhà đeo khẩu trang, cán bộ phải ngồi ngay tại cổng để canh giữ. Sau đó mới điều tra dịch tễ”, PGS.TS Trần Như Dương nói khi làm việc với Trung tâm y tế huyện Hòa Vang, Quảng Nam.
Việc điều tra dịch tễ ban đầu không được điều tra cụ thể chi tiết mà phải nắm các mốc thời gian trước rồi mới khai thác chi tiết. Sau đó đưa gia đình đi cách ly ngay. Còn nếu chưa đi cách ly được phải ngồi ở nhà.