Vị trí mọc mụn trứng cá cảnh báo gì về sức khỏe của bạn?

Đôi khi vị trí mọc mụn trứng cá có thể cảnh báo một số bộ phận cơ thể đang bị tổn thương hay suy giảm chức năng.

Tình trạng mụn trứng cá không phải là hiếm gặp, mụn có thể mọc ở má, mũi, lưng, cổ,... và thực sự có thể xác định điều gì đã và đang xảy ra với cơ thể bạn cùng những vấn đề sức khỏe mà bạn có thể gặp phải. Theo Đông y, mỗi một vị trí trên mặt bạn đều có liên kết với các cơ quan nội tạng.

8 vị trí mọc mụn trứng cá cảnh báo tình trạng sức khỏe tiềm ẩn

Trong hầu hết các trường hợp thì tất cả mụn trứng cá phát triển là do lối sống không lành mạnh gây ra và có thể dễ dàng thay đổi để giảm nhẹ. Tuy nhiên điều quan trọng là tìm ra nguyên nhân gây mụn khác để ngăn chặn tình trạng này xảy ra trong tương lai.

1. Xung quanh miệng

Mụn trứng cá mọc xung quanh miệng có thể xảy ra nếu vùng da ở khu vực này bị kích ứng và bạn thường xuyên chạm vào bằng điện thoại di động, dây mũ bảo hiểm hay các loại nhạc cụ; hoặc như các sản phẩm chăm sóc da hay sản phẩm trang điểm cũng có thể là nguyên nhân. Ít phổ biến hơn là nguyên nhân do rối loạn hormone và di truyền.

Theo Y học cổ truyền thì khu vực quanh miệng có liên quan mật thiết tới ruột và gan nên bạn cần xem xét lại chế độ ăn uống của mình có đang quá nhiều dầu mỡ hay cay nóng không. Nếu như bạn phát hiện ra mụn thường xuyên mọc quanh miệng thì bạn cần tới gặp bác sĩ da liễu để tìm ra nguyên nhân. Nhưng các chuyên gia đều nhấn mạnh rằng phòng bệnh còn hơn chữa bệnh. Vì thế mà bạn cần làm sạch da bằng nước tẩy trang và sữa rửa mặt dịu nhẹ hai lần mỗi ngày.

Với sản phẩm trang điểm, nên ưu tiên sử dụng các sản phẩm có nhãn "non-comedogenic" (có nghĩa là không gây bít tắc lỗ chân lông) và các sản phẩm "free-oil" (không chứa dầu); đồng thời cũng cần tránh chạm tay lên mặt.

Vị trí mọc mụn trứng cá cảnh báo gì về sức khỏe của bạn? - Ảnh 1.

Mụn trứng cá mọc xung quanh miệng có thể xảy ra nếu vùng da ở khu vực này bị kích ứng và bạn thường xuyên chạm vào (Ảnh: Brightsite)

Cẩn thận nhầm lẫn với herpes miệng/môi

Các nốt herpes miệng dễ bị nhầm lẫn với mụn trứng cá. Dấu hiệu điển hình của tình trạng này là các nốt mụn nước, bọng nước mọc đơn lẻ hoặc đôi khi là những vết loét da; khi vỡ gây đau rát. Cụ thể, trong quá trình virus ủ bệnh người nhiễm có thể gặp các triệu chứng:

- Cảm giác rát, ngứa vùng môi sẽ xuất hiện trước 1 - 2 ngày tại những chỗ bị rộp mụn

- Mụn nhỏ chứa đầy nước lan rất nhanh khắp các vùng như nướu, lưỡi, rìa môi, hai bên má, thậm chí lên mũi, cằm, cổ…

- Mụn sẽ lên ngày càng nhiều sau vài ngày, bị vỡ toét mủ hình thành vết thương hở trên da có đóng vảy màu vàng.

- Những cơn đau, xót xuất hiện và khi ăn uống, nói chuyện sẽ rất đau

- Nướu có thể bị sưng nhẹ, đỏ và chảy máu

- Sưng và đau ở hạch bạch huyết

- Ở trẻ em, trẻ sẽ quấy khóc, sốt cao và nước dãi nhiều khi nhiễm virus gây rộp môi.

2. Trên mũi

Mũi của chúng ta là một trong những vùng dễ nổi mụn trứng cá nhất do lỗ chân lông tại đây có kích thước lớn hơn dẫn tới là nơi lý tưởng cho bụi bẩn, vi khuẩn trú ngụ gây tắc nghẽn và nổi mụn. Hơn nữa, da vùng mũi nói riêng và vùng chữ T nói chung thường đổ nhiều dầu hơn nên cũng dễ nổi mụn hơn.

Vị trí mọc mụn trứng cá cảnh báo gì về sức khỏe của bạn? - Ảnh 2.

Mũi của chúng ta là một trong những vùng dễ nổi mụn trứng cá nhất do lỗ chân lông tại đây có kích thước lớn hơn (Ảnh: Brightsite)

Mụn trứng cá ở mũi có thể mọc nhiều do chế độ ăn uống kém lành mạnh (cay, nóng, nhiều dầu mỡ), căng thẳng và tác dụng phụ của một số loại thuốc bôi như corticoid, lithium, androgen. Đôi khi nó cũng có thể do dị ứng thời tiết, dị ứng khói bụi hay nấm mốc.

Nghiêm trọng hơn thì vị trí mụn trên mũi có thể cảnh báo tình trạng hệ tiêu hóa đang gặp vấn đề như rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày, khó tiêu, đầy hơi, máu lưu thông kém,...

Nhưng nhìn chung nguyên nhân chủ yếu gây mụn vùng mũi là do vệ sinh kém. Vì thế bạn nên thêm một ít tinh dầu trà vào quy trình chăm sóc da để điều trị mụn trứng cá một cách nhẹ nhàng hoặc natri sulfacetamide sẽ ngăn ngừa vi khuẩn sinh sôi trên da. Tuy nhiên, tốt nhất là bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tự ý sử dụng thuốc bôi.

3. Trán

Sự gia tăng sản xuất dầu trên da, đặc biệt là tóc dầu dính lên trán có thể là nguyên nhân phổ biến gây mụn trứng cá trên trán. Hoặc các sản phẩm chăm sóc tóc chứa bơ ca cao hoặc dầu dừa cũng góp phần "nhờn" hơn cho da và tạo mụn.

Đôi khi đây cũng có thể là dấu hiệu của việc căng thẳng tăng hormone adrenaline hay thay đổi hormone sinh dục ở các giai đoạn như bắt đầu mãn kinh, mãn kinh hay dậy thì cũng có thể tăng tiết dầu nhờn gây bít tắc lỗ chân lông và lên mụn.

Vị trí mọc mụn trứng cá cảnh báo gì về sức khỏe của bạn? - Ảnh 3.

Sự gia tăng sản xuất dầu trên da, đặc biệt là tóc dầu dính lên trán có thể là nguyên nhân phổ biến gây mụn trứng cá trên trán (Ảnh: Brightsite)

Cách giải quyết khá đơn giản, bạn chỉ cần sử dụng sản phẩm tẩy rửa nhẹ nhàng và tránh bất kì sản phẩm chứa dầu nào dành cho tóc mà thay vào đó chỉ cần gội đầu thường xuyên hơn. Đừng quên ăn uống lành mạnh và nghỉ ngơi đầy đủ để giảm bớt căng thẳng.

4. Quai hàm và cổ

Nếu bạn nghĩ rằng mụn trứng cá chỉ xảy ra do rối loạn nội tiết tố tuổi dậy thì thì không hẳn vậy. Ở tuổi trưởng thành bạn vẫn có thể mọc mụn trứng cá do nồng độ hormone thay đổi chẳng hạn như tăng nội tiết tố nam và khu vực thể hiện rõ nhất sự thay đổi này là ở quai hàm và cổ. Điều này cũng đúng với sự thay đổi nội tiết trong chu kì kinh nguyệt hay thuốc ngừa thai.

Nghiêm trọng hơn, mụn ở quai hàm và cổ có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý phụ khoa chẳng hạn như viêm cổ tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang, nhiễm nấm âm đạo, viêm lộ tuyến. Mặt khác, chế độ ăn uống không lành mạnh, quá nhiều đồ cay nóng hay các chất kích thích cũng có thể gây ra điều này. Quan trọng là bạn cần giải quyết loại bỏ các yếu tố bệnh lý nguy cơ để can thiệp phù hợp.

Vị trí mọc mụn trứng cá cảnh báo gì về sức khỏe của bạn? - Ảnh 4.

Mụn ở quai hàm và cổ có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý phụ khoa chẳng hạn như viêm cổ tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang, nhiễm nấm âm đạo, viêm lộ tuyến (Ảnh: Brightsite)

Trong lúc đó bạn nên sử dụng sữa rửa mặt, kem dưỡng ẩm và phương pháp điều trị mụn cơ bản.

5. Má

Mụn ở má khá phổ biến, đặc biệt khi bạn sử dụng điện thoại di động hay khẩu trang thường xuyên; thậm chí là ga gối, ga giường không được vệ sinh thường xuyên cũng có thể khiến má nổi mụn trứng cá.

Theo Đông Y thì má trái là biểu hiện sức khỏe của gan đặc trưng do nóng trong còn má phải là sức khỏe của lá phổi. Nhưng về cơ bản thì nguyên nhân gây mụn ở má chủ yếu là do lối sống. Bạn cần thay đổi một số thói quen như tập thể dục nhiều hơn, có chế độ ăn uống lành mạnh tránh xa đồ ngọt, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ,... đồng thời đừng quên vệ sinh nhà cửa, chăn ga gối, điện thoại sạch sẽ.

Vị trí mọc mụn trứng cá cảnh báo gì về sức khỏe của bạn? - Ảnh 5.

Mụn ở má khá phổ biến, đặc biệt khi bạn sử dụng điện thoại di động hay khẩu trang thường xuyên (Ảnh: Brightsite)

6. Lưng

Mụn ở lưng có thể chỉ là dị ứng với các sản phẩm chống nắng hay kem dưỡng thể, dầu mát-xa hoặc do tóc quá dài và nhiều dầu. Đây cũng chính là lý do cho thấy việc bít tắc lỗ chân lông có thể xảy ra ở mọi nơi trên da, việc tắm rửa vệ sinh hàng ngày rất quan trọng, nhất là sau khi tập luyện.

Quần áo, chăn gối bẩn cũng có thể trở thành nguyên nhân gây mụn ở mưng ví dụ như quần áo quá chật,... Đôi khi căng thẳng, chế độ ăn uống kém lành mạnh, thiếu dinh dưỡng cũng gây ra mụn lưng.

Tuy nhiên, tình trạng viêm nhiễm mụn ở lưng cũng có thể xảy ra gọi là viêm nang lông, cũng phổ biến ở các khu vực khác như mông, ngực với vi khuẩn và cần được điều trị sớm.

Vị trí mọc mụn trứng cá cảnh báo gì về sức khỏe của bạn? - Ảnh 6.

Mụn ở lưng có thể chỉ là dị ứng với các sản phẩm chống nắng hay kem dưỡng thể, dầu mát-xa hoặc do tóc quá dài và nhiều dầu (Ảnh: Brightsite)

Để điều trị đầu tiên bạn phải chú ý tới việc vệ sinh sạch sẽ vùng lưng, tẩy tế bào chết và dùng sữa tắm không có mùi thơm nồng dễ gây kích ứng da. Sau khi tắm xong nên sử dụng khăn sạch mềm để lau khô người rồi mới mặc quần áo. Nên chọn quần áo vải thấm hút mồ hôi, thoải mái và được giặt sạch sẽ thường xuyên.

7. Chân

Mụn trứng cá chủ yếu là kết quả của vi khuẩn, bã nhờn và các tế bào da chết bị mắc kẹt trong nang lông gây tắc nghẽn lỗ chân lông dẫn tới viêm nhiễm và hoàn toàn có thể xảy ra ở chân. Tuy nhiên tình trạng mụn trứng cá ở chân rất dễ nhầm lẫn với viêm nang lông, chàm hoặc dày sừng nang lông. Vì thế mà nếu bạn bị nổi mụn ở chân kèm theo đau thì tốt nhất nên thăm khám bác sĩ sớm.

Vị trí mọc mụn trứng cá cảnh báo gì về sức khỏe của bạn? - Ảnh 7.

Mụn trứng cá chủ yếu là kết quả của vi khuẩn, bã nhờn và các tế bào da chết bị mắc kẹt trong nang lông gây tắc nghẽn lỗ chân lông dẫn tới viêm nhiễm (Ảnh: Brightsite)

8. Ngực

Mụn ở ngực cũng có lý do phát triển tương tự như mụn ở lưng và chân. Chẳng hạn như nếu bạn sở hữu một làn da nhạy cảm, các chất tẩy rửa mạnh có thể gây tắc nghẽn và kích ứng nang lông. Vì thế mà tốt hơn hết bạn cần chọn các sản phẩm chăm sóc da và tẩy rửa lành tính, không chứa sulfat và mùi thơm.

Mặc quần áo quá chật hoặc không thấm hút mồ hôi cũng có thể khiến mồ hôi, dầu và vi khuẩn tích tụ trong lỗ chân lông gây mụn.

Vị trí mọc mụn trứng cá cảnh báo gì về sức khỏe của bạn? - Ảnh 8.

Mụn ở ngực cũng có lý do phát triển tương tự như mụn ở lưng và chân (Ảnh: Brightsite)

Đôi khi mụn ở ngực có thể hình thành do rối loạn hormone ở tuổi dậy thì, phụ nữ mang thai hoặc tiền mãn kinh hay người có chế độ ăn uống nhiều đường, nhiều đồ cay nóng gây tắc tiết bã nhờn.

Nhìn chung thì tùy từng tình trạng mụn mà sẽ có những can thiệp điều trị khác nhau. Nếu mụn mọc nhiều và thường xuyên lên bạn nên thăm khám bác sĩ sớm để tìm ra nguyên nhân và có những điều trị dứt điểm.