Hàng loạt quốc gia châu Âu và Thái Lan tuyên bố tạm ngừng triển khai vắc-xin COVID-19 của hãng AstraZeneca như một biện pháp đề phòng vì một số người bị chứng máu đông sau khi tiêm chủng.
Trong cuộc họp báo ngày 12/3, Trưởng khoa Y tại Bệnh viện Siriraj - Prasit Watanapa đã xác nhận tạm ngừng triển khai tiêm vắc-xin AstraZeneca ở Thái Lan sau khi hàng loạt quốc gia châu Âu như Đan Mạch, Na Uy và Iceland đưa ra động thái tương tự.
Ông Kiattiphum Wongjit, thư ký thường trực của Bộ Y tế Công cộng Thái Lan cho biết, nước này có thể tạm dừng tiêm vắc-xin để chờ đợi kết quả các cuộc điều tra tính an toàn của dòng vắc-xin này vì cho đến nay, quốc gia Đông Nam Á đã kiểm soát được làn sóng dịch bệnh thứ hai.
Trong khi đó, tại Việt Nam, đến nay đã có gần 1.600 người được tiêm vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca, trong đó chưa có trường hợp nào bị đông máu sau tiêm chủng.
GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Ban điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng cho biết, Việt Nam đã triển khai tiêm vắc-xin của AstraZeneca cho gần 1.600 người trong 4 ngày qua nhưng chưa ghi nhận hiện tượng đông máu sau tiêm.
Vì vậy, Việt Nam vẫn triển khai tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 như kế hoạch và tiếp tục theo dõi chặt các phản ứng sau tiêm.
Theo thống kê, sau tiêm chủng có ghi nhận một số trường hợp có có phản ứng thông thường. Ngoài ra, có 6 trường hợp phản vệ độ 2 đã được xử trí cấp cứu kịp thời; 3 trường hợp có biểu hiện tiêu chảy, dị ứng, kẹt huyết áp. Sức khỏe của tất cả các trường hợp trên hiện đã ổn định.
Chương trình tiêm chủng mở rộng đánh giá 4 ngày tiêm chủng diễn ra an toàn. 13 tỉnh thuộc kế hoạch đợt một đang khẩn trương tổ chức tập huấn, triển khai kế hoạch đến các huyện thị và tiến hành các công tác chuẩn bị mở rộng diện triển khai từ cuối tuần này. Trước đó đã có 9 tỉnh, thành triển khai kế hoạch tiêm chủng tại 13 cơ sở.
PGS. TS Dương Thị Hồng- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đây là vắc-xin rất mới, các thông tin về tai biến, biến cố bất lợi sau tiêm chủng cũng chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cung cấp đầy đủ.
Cũng như tất cả các vắc-xin khác, vắc-xin này khi đưa vào cơ thể cũng có thể xảy ra phản ứng nghiêm trọng như phản ứng sốc (trong vòng 30 phút sau tiêm hoặc phản ứng quá mẫn muộn trong 1-2 ngày đầu sau tiêm). Cũng vì thế, để đảm bảo cho đợt tiêm chủng này, ngoài các quy định đảm an toàn tiêm chủng, đối tượng tiêm sẽ được khám sàng lọc cẩn thận trước khi tiêm.
Tại các điểm tiêm chủng phải bố trí để đảm bảo giãn cách, bố trí hộp chống sốc, thường xuyên có cán bộ y tế theo dõi sát sức khỏe của các đối tượng được tiêm. Đồng thời, sắp xếp không quá 100 đối tượng/điểm tiêm chủng/buổi tiêm chủng.
Người được tiêm vắc-xin phải thực hiện nghiêm việc theo dõi 30 phút tại điểm tiêm, theo dõi tại nhà tiếp tục 24h. Đối với trường hợp cấp cứu thực hiện theo đúng hướng dẫn và theo dõi tiếp 24h tại cơ sở y tế.
Theo kế hoạch tiêm chủng, Bộ Y tế cho phép bất kỳ cán bộ tiêm chủng, y tá có thể thực hiện tiêm Adrenaline ngay khi phát hiện người tiêm bị sốc phản vệ.