Việt Nam ghi nhận hơn 70.000 ca mắc sốt xuất huyết, các ca bệnh chủ yếu trên 15 tuổi

Bộ Y tế cảnh báo, 3 tuần gần đây số ca mắc có xu hướng tăng và gần với ngưỡng cảnh báo dịch.

  

Ngày 21/9, Bộ Y tế cho biết, trong thời gian qua, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm từng bước được kiểm soát, đặc biệt kiểm soát tốt dịch COVID-19. Tuy nhiên, trong thời gian tới với điều kiện khí hậu mùa thu - đông rất thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển, bên cạnh đó vẫn còn những vùng lõm và chưa đạt tỷ lệ tiêm chủng như mong muốn, vì vậy có nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh.

Việt Nam ghi nhận hơn 70.000 ca mắc sốt xuất huyết, các ca bệnh chủ yếu trên 15 tuổi - 1

Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại bệnh viện. 

TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới khi nhận số mắc và tử vong cao do sốt xuất huyết. Tại nước ta, từ đầu năm đến nay ghi nhận hơn 70.000 trường hợp mắc sốt xuất. Đặc biệt, 3 tuần gần đây số ca mắc có xu hướng tăng và gần với ngưỡng cảnh báo dịch, tập trung chủ yếu ở một số tỉnh miền Trung, miền Nam (như Bến Tre, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa, TP HCM và Hà Nội…”.

Theo ông Tấn, diễn biến dịch trong thời gian qua không có gì bất thường, xu hướng gia tăng số lượng các tuần báo gần đây cũng như các năm trước, giai đoạn trước. Các ca bệnh chủ yếu trên 15 tuổi, tuýp D1, D2 vẫn chiếm chủ yếu (90%).

PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM cũng lưu ý cứ 5-10 năm lại có một đỉnh dịch. Việt Nam là vùng lưu hành của bệnh nên nên cần kiên quyết các biện pháp phòng chống. Sốt xuất huyết là bệnh theo mùa nên từ nay đến tháng 12 số mắc dự báo dự sẽ tăng theo tuần.

Với dịch bạch hầu, từ đầu năm đến nay cả nước có 198 ca mắc, tập trung chủ yếu khu vực Tây Nguyên, miền Trung, miền Bắc chưa ghi nhận ca bệnh nào. Hiện ghi nhận cả ca bệnh ở người trên 65 tuổi, trẻ dưới 1 tuổi.

Theo ông Tấn, bệnh có thể tiếp tục ghi nhận rải rác các ca mắc trong thời gian tới.

Đối với dịch sốt xuất huyết, các chuyên gia cũng khuyến cáo quan trọng nhất vẫn là nâng cao ý thức tự phòng bệnh của người dân tại các hộ gia đình, đẩy mạnh chiến dịch diệt bọ gậy, loăng quăng để cắt nguồn truyền bệnh là muỗi vằn. Cần tổ chức chiến dịch theo quy mô lớn, duy trì hoạt động diệt bọ gậy hàng tuần ở các khu vực có nguy cơ cao và hàng ngày tại các khu vực.