Bỏ qua những biểu hiện thường ngày, không ngờ mắc ung thư đường tiêu hóa

Anh Đ. không ngờ mình đã mắc ung thư dạ dày khi trước đó chỉ thấy ợ hơi, ợ chua, đầy bụng, ăn uống kém…Theo các chuyên gia, ung thư đường tiêu hóa có xu hướng ngày càng trẻ hóa, trong khi người bệnh thường lại chủ quan với các biểu hiện thường thấy.

  

Sững sờ khi phát hiện mắc ung thư

Anh P.V.Đ (28 tuổi, ở Thanh Hóa) bình thường khỏe mạnh nhưng thời gian gần đây thường xuyên xuất hiện triệu chứng ợ hơi, ợ chua, đầy bụng, ăn uống kém. Anh đã không đi khám mà tự mua thuốc dạ dày về uống. Dù triệu chứng có giảm nhưng không khỏi hẳn, vào viện kiểm tra được nội soi dạ dày, anh sững người khi bác sĩ kết luận anh mắc ung thư dạ dày.

Trường hợp của anh P.Đ.Đ (54 tuổi, Nam Định) may mắn hơn khi phát hiện ung thư giai đoạn sớm và được điều trị kịp thời. Anh kể, anh không có triệu chứng gì bất thường, chỉ đến kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm và được tư vấn nội soi dạ dày - đại trực tràng phát hiện ra có polyp lớn ở đại tràng trái. 

Bác sĩ nội soi tiến hành cắt polyp qua nội soi và lấy bệnh phẩm làm mô bệnh học cho kết quả Loạn sản độ cao (tiền ung thư hay ung thư sớm). May mắn là anh được phát hiện, cắt bỏ hoàn toàn tổn thương ở giai đoạn tiền ung thư, tránh trở thành ung thư tiến triển.

Bỏ qua những biểu hiện thường ngày, không ngờ mắc ung thư đường tiêu hóa - 1

Nhiều bệnh nhân phát hiện ung thư khi nội soi. Ảnh TL

BS Nguyễn Thị Lan - Chuyên khoa Tiêu hóa (BVĐK Medlatec) cho hay, ung thư đường tiêu hóa do triệu chứng bệnh không điển hình nên đa phần người dân chủ quan. Không ít trường hợp ung thư sớm đường tiêu hóa được Bệnh viện phát hiện tình cờ khi nội soi dạ dày - đại trực tràng mà không có biểu hiện gì bất thường hoặc các triệu chứng ít, mơ hồ, dễ nhầm lẫn và bỏ sót. 

Điều này khẳng định vai trò quan trọng của việc nội soi dạ dày - đại trực tràng trong việc chẩn đoán sớm, cũng như sàng lọc ung thư sớm đường tiêu hóa.

Những điều nên làm ngay để tránh nguy cơ mắc ung thư

Ghi nhận ở nước ta năm 2018 có tới hơn 17000 trường hợp mắc mới ung thư dạ dày, 14.733 ca mắc ung thu đại trực tràng chiếm 8,9%. Theo các bác sĩ ở bệnh viện K, ung thư đường tiêu hóa là một trong những loại ung thư đường tiêu hóa hay gặp và bệnh có xu hướng ngày càng trẻ hóa. So với các loại ung thư khác, bệnh có tiên lượng tốt nếu phát hiện ở giai đoạn sớm hoặc các tổn thương tiền ung thư. Cơ hội kéo dài sự sống trên 10 năm trở lên, thậm chí là khỏi bệnh cao.

Việc phát hiện muộn, khả năng điều trị ít hiệu quả, tốn kém kinh phí và đau đớn cho bệnh nhân. Do triệu chứng thường không có triệu chứng đặc hiệu ở giai đoạn sớm nên tầm soát định kỳ là việc làm khoa học giúp phát hiện sớm các bất thường.

BS Lan cho biết, thông thường khi đi kiểm tra các bệnh đường tiêu hóa nói chung, ung thư dạ dày và đại trực tràng nói riêng, bệnh nhân được bác sĩ khám và chỉ định:

+ Khám lâm sàng để nắm bắt tình trạng bệnh qua hỏi bệnh và thăm khám.

+ Thực kiện các kĩ thuật chẩn đoán như chụp Xquang, Chụp CT scanner, chụp MRI... để chẩn đoán giai đoạn bệnh hoặc ở các bệnh nhân chưa có điều kiện nội soi dạ dày - đại trực tràng.

+ Nội soi nhằm phát hiện các khối u ở kích thước khoảng vài milimet hoặc các bất thường khác của dạ dày - đại tràng như polyp, túi thừa, các tổn thương viêm, loét…

+ Tìm vi khuẩn HP - một trong những nguyên nhân hay gây viêm niêm mạc dạ dày - tá tràng, viêm teo niêm mạc dạ dày, loét dạ dày - hành tá tràng, đặc biệt nghiêm trọng hơn có thể gây nên u lympho, ung thư dạ dày…

Ngoài ra, người bệnh cần được làm xét nghiệm máu ẩn trong phân (FOBT). Máu trong phân có thể do nhiều nguyên nhân như polyp, ung thư, viêm loét đại trực tràng, trĩ… Nếu xét nghiệm dương tính cần nội soi đại trực tràng bằng ống mềm để kiểm tra. Xét nghiệm các dấu ấn ung thư: CEA, CA 19-9, CA 72-4, Pepsinogen…. Khi cần thiết, cần bệnh có thể được làm sinh thiết để khẳng định chính xác tổn thương lành hay ác tính…

Các bác sĩ ở Bệnh viện K khuyến cáo, để phòng tránh ung thư nói chung, ung thư đường tiêu hóa nói riêng, mọi người cần xây dựng cho mình lối sống, chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học như tăng cường ăn nhiều rau xanh, trái cây, giảm chất béo. Hạn chế đồ chua cay nóng, chất kích thích, chiên rán nướng, đồ ăn công nghiệp, rượu bia…Tập thể dục đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày.

Khi người bệnh có những dấu hiệu bất thường như: Chán ăn, đầy bụng, sụt cân không rõ nguyên nhân; Đại tiện phân nhỏ dẹt, phân máu, táo bón hoặc tiêu chảy, … cần đi khám ngay.

Cùng với đó, việc thăm khám định kỳ là điều không nên bỏ qua, nhất là với những nhóm người có nguy cơ cao như gia đình có tiền sử bệnh lý liên quan đến đường ruột, polyp đại trực tràng, ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày, … Hay những người trên 45 tuổi; Người thường xuyên bị táo bón, đại tiện ra máu không rõ nguyên nhân…