Các bác sĩ nhanh chóng tiến hành cầm máu cho người bệnh, khám lâm sàng và chỉ định thực hiện các xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết để tầm soát hết các tổn thương. Kết quả cho thấy, người bệnh bị sốc đa chấn thương nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng: chấn thương bụng kín (đụng dập thành bụng, chảy máu trong ổ bụng, tụ máu sau phúc mạc, vỡ bàng quang độ II), chấn thương khung chậu (vỡ xương chậu trái, nhiều ổ chảy máu hoạt động, có nhiều vết thương ở các vị trí hậu môn, đụng dập tổn thương cơ vùng đùi 2 bên, chân, phù nề tầng sinh môn…).
Xe cấp cứu ngoại viện của BV E Hà Nội vận chuyển bệnh nhân về bệnh viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Qua khai thác tiền sử bệnh án, khoảng 10h sáng ngày 3/6, trên đường đi học thêm trở về nhà, bệnh nhi đi bộ đã xảy ra va chạm với xe ba gác chở xi măng đi cùng chiều và bị bánh xe chèn qua người. Sau tai nạn, bệnh nhi xuất hiện hiện tượng đau, sưng nề, bầm tím và chảy máu nhiều vùng hông, hạ vị… Bệnh nhân nhanh chóng được người dân gọi cho cấp cứu và ngay lập tức cấp cứu ngoại viện Bệnh viện E khởi động, nhanh chóng đến hiện trường sơ cứu và vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu.
Tại khoa Cấp cứu, ngay khi có thông tin về ca tai nạn nghiêm trọng, hệ thống cấp cứu được khởi động với sự chuẩn bị khẩn trương của nhiều chuyên khoa mũi nhọn của Bệnh viện E: ngoại chấn thương, ngoại tổng hợp, nhi khoa, gây mê hồi sức, hồi sức cấp cứu... Ngay khi bệnh nhi tới Bệnh viện, các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa: khoa Cấp cứu, khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, khoa Khoa Phẫu thuật Chấn thương chỉnh hình, khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học, khoa Phẫu thuật Tiêu hóa, khoa Gây mê hồi sức và hồi sức tích cực nội khoa… để tìm phương án điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Bác sỹ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhi sau ca phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Đánh giá đây là một ca bệnh khó và nguy hiểm, bệnh nhi còn nhỏ tuổi, cùng lúc chịu nhiều thương tổn, đang biểu hiện tình trạng sốc mất máu nặng, người bệnh đối mặt với nguy cơ tử vong bất kỳ lúc nào. Hơn nữa, ở bệnh nhi này bị chấn thương vùng khung chậu, vùng đùi với đặc điểm các mô xương xốp nên đã dẫn đến tình trạng mất máu rất nghiêm trọng, gây khó khăn cho bác sĩ trong việc cầm máu cho người bệnh. Các bác sĩ đã nhanh chóng phối hợp cùng với kíp can thiệp để nút mạch chậu trong cho bệnh nhi nhằm cầm máu ở các vị trí gây mất máu nhiều của bệnh nhi. Trong 24 giờ đầu sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã phải truyền gần 4 lít máu để duy trì sự sống cho người bệnh. Tuy nhiên, truyền máu khối lượng lớn mặc dù có thể giúp người bệnh vượt qua khỏi giai đoạn nguy kịch nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và biến chứng truyền máu nguy hiểm cần phải được xử trí kịp thời như: các tổn thương phổi, tổn thương ống thận, biến chứng nhiễm độc citrat và hạ canxi, biến chứng hạ thân nhiệt, quá tải tuần hoàn…
Sau khi nút mạch chậu xong, các bác sĩ tiếp tục xử lý cầm máu cho người bệnh ổn định. Một ê kíp bác sĩ chuyên về phẫu thuật tiêu hóa đã tiếp tục tiến hành khâu vị trí vỡ bàng quang, xử lý những tổn thương khác trong ổ bụng.
ThS.BS Đỗ Quốc Phong – Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực nội khoa và chống độc đánh giá cao sự nhanh chóng, kịp thời của hệ thống Cấp cứu ngoại viện – Bệnh viện E trong việc sơ cứu tại hiện trường và vận chuyển người bệnh an toàn, nhanh chóng. Người bệnh bị chấn thương khung chậu, đụng dập cơ vùng đùi, chấn thương bụng kín… đây là những chấn thương rất phức tạp, có thể ảnh hưởng đến tính mạng ngay lập tức. Do đó khi vận chuyển người bệnh, nếu không cố định người bệnh tốt có thể làm trầm trọng hơn các thương tổn, nhất là đối với tổn thương vỡ khung chậu và gãy xương lớn, gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Sau 4 ngày điều trị, hiện sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định: bệnh nhi tỉnh, đã rút ống nội khí quản, tự thở oxy kính, ăn bằng đường miệng... Bệnh nhi hiện đang được tiếp tục theo dõi điều trị các thương tổn và tập phục hồi chức năng tại giường bệnh.
Theo ThS.BS Đỗ Quốc Phong, với trường hợp bệnh nhi bị sốc đa chấn thương phức tạp thì việc xử trí nhanh chóng, chính xác, kịp thời để tránh bỏ qua thời cơ cấp cứu bệnh nhi rất quan trọng. Rất may, người bệnh được đưa đến cấp cứu nhanh chóng, tránh làm cho tổn thương nặng thêm gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh, cũng như sự phối hợp ăn ý giữa các khoa phòng của Bệnh viện, đặc biệt là việc triển khai hiệu quả, nhanh chóng của hệ thống Cấp cứu ngoại viện, Bệnh viện E giúp bệnh nhân được cứu chữa kịp thời trong thời gian ngắn nhất.
Ngoài ra, theo ThS.BS Đỗ Quốc Phong, cũng đã đến lúc các cơ quan chức năng cần quản lý và xử lý mạnh những trường hợp xe ba gác không đảm bảo an toàn khi lưu thông trên đường gây nguy hiểm cho người đi đường. Bởi đây không phải trường hợp đầu tiên tai nạn giao thông thương tâm từ xe ba gác chở hàng cồng kềnh hoặc vượt quá trọng tải gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, nhất là trẻ em. Đặc biệt, thời gian này trẻ em bắt đầu kỳ nghỉ mùa hè, ẩn họa từ những chiếc xe ba gác chở hàng cồng kềnh, vật liệu xây dựng , tấm tôn, tấm lợp, xi măng… vẫn rình rập. Vì thế, ThS.BS Phong khuyến cáo, khi người dân gặp các trường hợp chấn thương thương tích hiện trường, nếu có kinh nghiệm xử lý thì nhanh chóng tiến hành sơ cứu xử trí cho người gặp nạn, cùng với đó nên liên hệ ngay với Trung tâm cấp cứu 115 hoặc số hotline của hệ thống Cấp cứu ngoại viện –Bệnh viện E để được giúp đỡ và đưa người bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất, đảm bảo tính mạng cho người bị nạn.