*Bài viết có tiết lộ một phần nội dung phim
"Squid Game" - hay "Trò chơi con mực", bom tấn sinh tồn của Hàn Quốc trên Netflix đã lập được vô số các kỷ lục kể từ khi ra mắt. Trong phim, 456 người với những khoản nợ không thể trả nổi đã cùng tham gia một chương trình sinh tồn với một chuỗi các trò chơi cho trẻ em lấy cơ hội giành về số tiền trị giá hơn 40 tỉ won.
Thất bại, đồng nghĩa với cái chết!
Koo Yong-hyun, một nhân viên văn phòng 35 tuổi tại Seoul đã dành nguyên một đêm để xem hết 9 tập của "Trò chơi con mực". Anh chắc chắn chưa phải lâm vào cảnh điên loạn như các nhân vật trong phim nhưng cho biết mình thực sự đồng cảm với họ, về sự khổ sở khi phải tồn tại trong một xã hội có sự bất bình đẳng lớn đến khủng khiếp.
Một xã hội chênh lệch đến phi lý
Koo là một nhân viên tự do, có nhận trợ cấp từ chính phủ dành cho những người thất nghiệp sau khi mất đi công việc ổn định của mình. Anh cho biết để "sống một cách thoải mái với mức lương nhân viên văn phòng bình thường" ở thành phố đắt đỏ như Seoul thực sự là điều không tưởng. Giống như nhiều người trẻ khác, Koo hiểu rằng xã hội Hàn Quốc là một sự cạnh tranh gay gắt để giành lấy miếng bánh ngày càng nhỏ dần, giống như các nhân vật trong Squid Game.
Có lẽ chính sự đồng cảm ấy đã đưa "Squid Game" trở thành một hiện tượng toàn cầu. Hiện tại, bộ phim lọt top thịnh hành của Netflix tại Mỹ, và trên đà trở thành bộ phim được xem nhiều nhất trong lịch sử của nền tảng này - theo như Ted Sarandos, đồng giám đốc điều hành của Netflix nhận định.
Giống như bom tấn sinh tồn "Hunger Games" ngày nào, "Squid Game" cũng níu chân khán giả bằng những cảnh quay nhuốm màu bạo lực, những tình huống gây ngờ vực suy đoán, và cả sự tò mò về số phận của các nhân vật được yêu thích trong phim. Nhưng quan trọng hơn, nó chạm đến một thực tế khó phủ nhận tại những nơi giàu có như Mỹ hoặc Tây Âu, khi sự thịnh vượng lại trở thành tiêu chuẩn ngày càng khó đạt được, khoảng cách giàu nghèo ngày một lớn hơn, và giá nhà đất tăng đến mức không thể đáp ứng.
"Câu chuyện của các nhân vật trong phim là rất đặc thù, nhưng nó phản ánh thực tế của xã hội Hàn Quốc," - Hwang Dong-hyuk, đạo diễn "Squid Game" chia sẻ.
Trên thực tế, "Squid Game" chỉ là tác phẩm mới nhất trở thành hiện tượng toàn cầu sau khi chạm đến sự bất bình đẳng và khát cơ hội của xã hội Hàn Quốc. Trước đó là "Parasite" - hay "Ký sinh trùng", phim điện ảnh đạt giải Oscars vào năm 2019, hay "Burning" - "Thiêu đốt" cũng đều khai thác rất tốt câu chuyện này.
Hàn Quốc bùng nổ phát triển từ thời kỳ hậu chiến tranh, trở thành một trong những quốc gia giàu có nhất châu Á với nền kinh tế hàng đầu, còn được gọi là "Kỳ tích sông Hán". Nhưng khi nền kinh tế ấy chín mọng, cũng là lúc sự chênh lệch giàu nghèo trở nên căng thẳng hơn. Đặc biệt là khủng hoảng tài chính vào cuối thập niên 1990 khiến tinh thần "cùng nhau đi lên" của Hàn Quốc trở thành "tự chiến đấu cho chính mình", hay có thể hiểu là... thân ai người nấy lo.
Trong Squid Game, sự đoàn kết chỉ mang tính tạm thời, vì xét cho cùng chỉ một người có thể giành chiến thắng
Tiêu chuẩn thịnh vượng tăng lên, các hộ gia đình tại Hàn Quốc cố gắng bắt kịp và khiến các khoản nợ ngày một tăng trưởng. Các nhà kinh tế buộc phải cảnh báo rằng số nợ này có thể kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế. Giá nhà đã tăng vượt mức chi trả của người bình thường, đến nỗi trở thành một chủ đề nóng của chính trị.
Để rồi hiện tại, Hàn Quốc xếp thứ 11 trong hệ số Gini - một thước đo đánh giá sự bất bình đẳng thu nhập dành cho các nước thuộc nhóm giàu nhất thế giới.
Sẽ có bao nhiêu người chơi Squid Game?
"Squid Game" phơi bày một thực tại đầy mâu thuẫn giữa áp lực phải thành công của Hàn Quốc, và sự khó khăn để đạt được điều đó.
Shin Yeeun - cô gái 27 tuổi chỉ mới tốt nghiệp đại học vào tháng 1/2020 - ngay trước khi dịch bệnh ập đến. Suốt hơn 1 năm qua, cô đã cố gắng kiếm tìm một công việc ổn định mà không thể.
"Thực sự rất khó để những người ngoài 20 tuổi tìm được một công việc tử tế vào lúc này," - cô cho biết.
Hàn Quốc cũng đang phải đối mặt với tỉ lệ sinh tụt thảm hại, chủ yếu là vì những người trẻ cảm thấy chi phí nuôi con là quá tốn kém.
"Tại Hàn Quốc, cha mẹ nào cũng muốn con được học trường tốt nhất," - Shin bày tỏ. "Mà để được như thế, bạn phải sống ở nơi tốt nhất."
Nghĩa là, bạn cần phải tiết kiệm đủ tiền để mua nhà - một mục tiêu với Shin là "phi thực tế đến mức không buồn tính toán."
Lại nói về "Squid Game", 456 người tham gia, mỗi người đại diện cho một nỗi lo. Có nhân vật tốt nghiệp ĐH Seoul danh giá nhất nước lại bị truy nã vì xử lý sai và làm mất quỹ của khách hàng. Nhân vật khác lại là một kẻ đào tẩu từ Triều Tiên, cần có tiền để lo cho em trai và đoàn tụ cùng mẹ. Người khác là một lao động nhập cư bị chủ quỵt tiền, dồn ép đến mức buộc phải cướp tiền để đưa vợ con về quê hương.
Những nhân vật ấy tạo ra một sự đồng điệu với giới trẻ Hàn Quốc - những người khát khao cơ hội tưởng như không có thật trong xã hội. Họ được gọi là "thế hệ thìa đất", trong đó nhiều người khao khát làm giàu nhanh chóng rồi chuyển hướng đầu tư vào xổ số và tiền ảo. Hàn Quốc trên thực tế cũng là thị trường tiền ảo lớn nhất thế giới hiện nay.
"Tiền ảo dường như cho người ta cơ hội để sống một cuộc đời thứ 2," - Koo cho biết. Anh mất việc vì công ty chủ quản phá sản thời dịch bệnh, và nhận định rằng việc kiếm tiền khó khăn như vậy đã khiến người Hàn ám ảnh về chuyện phải làm giàu thật nhanh chóng.
"Tôi tự hỏi liệu sẽ có bao nhiêu người muốn tham gia Squid Game, nếu nó thực sự tồn tại ngoài đời," - câu hỏi lửng lơ của Koo có lẽ thật khó trả lời.