Có người không muốn gả vào gia đình con một, có người sợ làm dâu của gia đình đông con. Còn với chị Tiểu Phương (sống ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc), ban đầu chị cũng lăn tăn trước lời cầu hôn của anh Tiểu Lý, vì sau anh còn có một cậu em trai. Chị sợ rằng gả vào một gia đình như vậy thì chị phải đối mặt với mối quan hệ phức tạp giữa chị em dâu, điều này sẽ dẫn đến nhiều mâu thuẫn trong gia đình.
Sự lo lắng của Tiểu Phương không phải là không có cơ sở. Chị đã nghe nhiều câu chuyện về sự thiên vị của bố mẹ chồng dành cho con trai út, những câu chuyện bố mẹ chồng mang 2 nàng dâu ra so sánh.
Tuy nhiên, Tiểu Lý cho rằng chỉ cần mọi người chân thành đối xử với nhau thì cả gia đình sẽ hạnh phúc. Anh cũng cho biết, bố mẹ anh là người công bằng, không bên trọng bên khinh. Mặc dù vẫn còn chút lo lắng nhưng chị Tiểu Phương vẫn đồng ý kết hôn cùng anh.
Cuộc sống của cả hai trôi qua yên ả, cho đến một ngày khi em trai chồng mua nhà. Khi đó, bố chồng đã cho em những 200.000 tệ (khoảng 700 triệu đồng) để mua nhà. Điều này khiến nàng dâu trưởng bất mãn, cho rằng bố chồng thiên vị con út.
Chị Tiểu Phương phàn nàn với chồng về việc bố chồng thiên vị em trai.
Chị bức xúc phàn nàn với chồng: “Bố anh quá thiên vị. Khi chúng mình mua nhà, ông ấy chỉ cho chúng ta 5.000 tệ (khoảng 17,5 triệu đồng), nhưng khi em trai mua nhà ông lại cho hẳn 200.000 tệ. Sao có thể như vậy được chứ?”.
Người chồng cố gắng giải thích với vợ: “Anh không nghĩ như thế là thiên vị, bất công. Khi mẹ anh ốm, anh và em đều bận rộn công việc, không thể chăm sóc bà. Người luôn kề cạnh bên mẹ là em dâu. Thế nên, bố cho vợ chồng em trai nhiều tiền hơn để mua nhà cũng là điều hợp tình hợp lý”.
Tiểu Phương nghe xong lời này trong lòng vẫn còn rất bức xúc nên tiếp tục phân bua: “Em đi làm kiếm tiền chẳng phải là cho gia đình này sao? Tại sao công sức của em không đáng được ghi nhận?”.
Nghe đến đây, người chồng trầm mặc một hồi rồi nói: “Anh đương nhiên nhìn thấy nỗ lực của em, nhưng em cũng phải nghĩ lại bản thân, em đã cho mẹ anh được những gì? Tiền em kiếm được phần lớn đều phục vụ nhu cầu mua sắm của bản thân em như mỹ phẩm, túi xách,… Còn em dâu thì sao? Sự hiếu thảo của em ấy được cả làng công nhận. Đây là sự khác biệt”.
Tiểu Phương không nói nên lời trước lời nói của chồng. Chị chợt nhận ra mình quả thực thiếu sót trong mối quan hệ với bố mẹ chồng, gia đình nhà chồng. Chị luôn nghĩ đến lợi ích của bản thân mà bỏ qua trách nhiệm của một người con dâu.
Trước lời đáp của chồng, người vợ im bặt. (Ảnh minh họa)
Vụ việc đã gây ra cuộc tranh cãi lớn trên mạng xã hội xứ Trung. Một số cho rằng, lời phàn nàn của Tiểu Phương là có lý, vì số tiền ông bà cho hai con khác nhau một trời một vực, rõ ràng có sự thiên vị. Tuy nhiên, số khác cho rằng Tiểu Phương đã không làm tròn trách nhiệm, nghĩa vụ của một người con dâu mà chỉ muốn hưởng lợi từ bố mẹ chồng.
“Tình cảm gia đình bắt nguồn từ sự cống hiến quên mình và sự quan tâm sâu sắc dành cho nhau. Nếu mọi người đều coi mình là trung tâm thì bầu không khí trong gia đình sẽ căng thẳng, hỗn loạn, mất đi sự ấm áp và hòa hợp vốn có”, một người đưa ra lời khuyên.
Bí quyết để nàng dâu hòa hợp với nhà chồng Với nhiều nàng dâu, bố mẹ chồng là những người khó lấy lòng hơn bất kỳ ai khác. Nhưng với 6 cách sau sẽ giúp nàng dâu gây được ấn tượng tốt với bố mẹ chồng, được gia đình chồng yêu quý, tin cậy thực sự. - Tìm cách gần gũi với nhà chồng qua những công việc nhỏ nhặt như dọn nhà, nấu cơm,... - Thường xuyên gọi điện hỏi thăm, quan tâm bố mẹ chồng hoặc đưa bố mẹ chồng đi chơi để gắn kết tình cảm. - Luôn thể hiện thái độ tôn trọng bố mẹ chồng, nếp sống của nhà chồng. - Không bao giờ kể xấu chồng trước mặt bố mẹ chồng. - Nói chuyện cởi mở và trung thực với bố mẹ chồng. - Hỏi lời khuyên của bố mẹ chồng trong các vấn đề của gia đình. |